Nghiên cứu phát triển
Từng bước nghiên cứu, làm chủ công nghệ rà phá bom mìn, tiến tới đẩy nhanh, khắc phục hoàn toàn ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam
(01/12/23 13:33)
Sáng ngày 30/11/2023, Tại Phòng họp 3 của Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng (BQP), Hội đồng nghiệm thu cấp BQP đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu 2 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH), cụ thể:
Đề tài: “Thiết kế chế tạo máy dò mìn VNM.M-01”, mã số KC.BM.01, do Thượng tá, ThS Đậu Phi Trường – Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) làm chủ nhiệm đề tài, Thượng tá, ThS Trương Anh Dũng – Học viện Kỹ thuật Quân sự làm Thư ký khoa học.
Đề tài: “Thiết kế chế tạo máy dò bom VNM.B-01”, mã số KC.BM.06, do Trung tá CN, ThS Trần Xuân Chung – VNMAC làm chủ nhiệm đề tài, Đại tá, TS Nguyễn Trung Tấn – Học viện Kỹ thuật Quân sự làm Thư ký khoa học.
Tham dự buổi nghiệm thu có 09 thành viên Hội đồng khoa học do Thiếu tướng, PGS. TS Ngô Văn Giao – Cục trưởng Cục Khoa học quân sự/BQP làm Chủ tịch, cùng các thành viên Hội đồng là các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ chuyên môn liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của đề tài; Tới tham dự buổi nghiệm thu còn có đồng chí Đại tá Hà Huy Khánh – Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh; Đại diện đơn vị chủ trì thực hiện đề tài – Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam có Đại tá Nghiêm Xuân Long, Phó Tổng Giám đốc, Đại tá, TS Nguyễn Hạnh Phúc, Cố vấn chiến lược cấp cao, nguyên Phó Tổng Giám đốc; đại diện đơn vị phối hợp thực hiện đề tài – Học viện Kỹ thuật Quân sự; các đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị và các viện nghiên cứu có liên quan, cùng Ban Chủ nhiệm và các thành viên tham gia đề tài.
Cả 2 đề tài mã số KC.BM.01 và mã số KC.BM.06 đều do VNMAC là đơn vị chủ trì thực hiện, Học viện Kỹ thuật Quân sự là đơn vị phối hợp thực hiện, nằm trong chương trình KHCN cấp BQP: “Nghiên cứu phát triển hệ thống trang thiết bị, phương tiện dò tìm, xử lý và xây dựng hệ thống thông tin quản lý ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam”, mã số: KC.BM.
Mục đích chính của cả 2 đề tài là chế tạo được 5 máy dò mìn VNM.M-01, 5 máy dò bom VNM.B-01 phục vụ công tác rà phá mìn, lựu đạn, vật nổ theo mẫu máy dò mìn VMH3.CS và máy dò bom EL.1303-D2 (của hãng VALLON – Đức), với các tính năng kỹ chiến thuật tương đương với máy mẫu.
Làm chủ công nghệ và các tiêu chuẩn kỹ thuật của thiết bị mẫu. Ngoài ra, có thể tích hợp công nghệ hiện đại như công nghệ nhúng, lưu trữ, truyền dữ liệu, định vị vệ tinh GPS... phục vụ quá trình dò tìm bom, mìn, vật nổ tại hiện trường và công tác quản lý sau này.
Tại buổi đánh giá, nghiệm thu, Thượng tá, ThS Đậu Phi Trường – Chủ nhiệm đề tài KC.BM.01 và Trung tá CN, ThS Trần Xuân Chung – chủ nhiệm đề tài KC.BM.06 đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày khái quát các kết quả nghiên cứu của đề tài từ việc triển khai thực hiện, đến thiết kế, chế tạo cũng như làm rõ quá trình đo kiểm, thử nghiệm, đánh giá kết quả thực hiện đề tài và tóm tắt những kết quả nghiên cứu của đề tài, đưa ra các đề xuất và kiến nghị.
Đại tá, TS Nguyễn Mạnh Cường – Tổ trưởng Tổ chuyên gia của Hội đồng cấp BQP đọc báo cáo thẩm định của Tổ chuyên gia, trong đó nêu rõ các nội dung đã tiến hành kiểm tra, thẩm định các kết quả nghiên cứu của 2 đề tài, kết quả thử nghiệm tổng hợp trong các môi trường thực địa mà Tổ chuyên gia đã yêu cầu Ban chủ nhiệm đề tài thực hiện nhiều lần để phục vụ nghiệm thu cấp Bộ. Sau đó, các đồng chí ủy viên hội đồng lần lượt đóng góp ý kiến về các điểm mạnh và các điểm còn tồn tại, hướng khắc phục của 2 đề tài, cũng như phương hướng thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Thiếu tướng, PGS. TS Ngô Văn Giao, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhất trí với các nhận xét, đánh giá, phản biện của các thành viên Hội đồng; đồng thời đánh giá cao kết quả nghiên cứu của cả 2 đề tài, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và tâm huyết của các nhóm nghiên cứu. Chủ tịch Hội đồng cũng đề nghị các nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét của các thành viên Hội đồng, tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung. Đồng chí đề xuất Cục Khoa học quân sự đề nghị thủ trưởng BQP cho phép 2 đề tài được tiếp tục hoàn thiện công nghệ sản phẩm cuối cùng của đề tài để có thể đưa vào sản xuất hàng loạt, sớm đưa kết quả nghiên cứu của đề tài vào áp dụng cho Binh chủng Công binh, cụ thể là trong công tác rà phá bom, mìn, vật nổ, nhằm khắc phục hậu quả sau chiến tranh ở Việt Nam./.
Phi Trường
Phòng KH-ĐP VNMAC