Nghiên cứu phát triển

Tổng kết giai đoạn 1 Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ Quốc phòng

(14/05/24 21:50)

Ngày 14/5, tại Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn I Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ Quốc phòng “Nghiên cứu, phát triển hệ thống trang thiết bị, phương tiện dò tìm, xử lý và xây dựng hệ thống thông tin quản lý ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam” (gọi tắt là Chương trình KC.BM).

Image

Dự Hội nghị có Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng chí Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, các đồng chí lãnh đạo Binh chủng Công Binh, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam.

Báo cáo tổng kết tại Hội nghị đánh giá, giai đoạn 1 Chương trình đã hoàn thành mục tiêu đề ra với việc ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại để làm chủ thiết kế, chế tạo thành công nhiều sản phẩm, kịp thời ứng dụng, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý, rà phá, bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài. 

Image

Thiếu tướng Trần Trung Hòa, Tư lệnh Binh chủng Công Binh, Tổng Giám đốc VNMAC báo cáo tại Hội nghị

Chương trình KH&CN cấp Bộ Quốc phòng “Nghiên cứu phát triển hệ thống trang thiết bị, phương tiện dò tìm, xử lý và xây dựng hệ thống thông tin quản lý ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam”, mã số KC.BM được Bộ trưởng BQP phê duyệt Thuyết minh tổng quát tại Quyết định số 3305/QĐ-BQP ngày 15/8/2017. Với tên gọi Nghiên cứu phát triển hệ thống trang thiết bị, phương tiện dò tìm, xử lý và xây dựng hệ thống thông tin quản lý ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam”, mã số KC.BM Binh chủng Công binh là đơn vị chủ trì. Có 6 đơn vị tham gia gồm có Viện Khoa học và Công nghệ quân sự/BTTM (Viện Công nghệ thông tin, Viện Ra đa, Viện Tự động hóa KTQS, Viện Điện tử, Viện Hóa học vật liệu, Viện Công nghệ mới); 04 đơn vị của Binh chủng Công binh (Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Viện Kỹ thuật Công binh và Cục Kỹ thuật); Cục Khoa học quân sự và các cán bộ nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật quân sự.

Mục tiêu tổng quát: Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào thiết kế, chế tạo thiết bị phục vụ điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn, vật nổ; xây dựng quy trình hoạt động rà phá, khắc phục hậu quả ô nhiễm bom mìn, xây dựng hệ thống thông tin quản lý ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Image

Các đại biểu dự Hội nghị

Tự chủ về công nghệ, thiết kế và chế tạo, cải tiến nâng cao tính năng một số trang thiết bị rà phá, xử lý bom mìn, phù hợp điều kiện Việt Nam nhằm chủ động sản xuất trang thiết bị với số lượng lớn và đồng bộ, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả rà phá bom mìn cả chiều rộng và chiều sâu; (ii) Nghiên cứu, xây dựng được các quy trình: Xác định khu vực ô nhiễm; dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ… phù hợp với thực tiễn Việt Nam trên cơ sở tiếp thu những thành tựu KH&CN tiên tiến của thế giới, góp phần Quy chuẩn hóa hoạt động này nhằm nâng cao hiệu quả công tác rà phá bom mìn, vật nổ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; (iii) Xây dựng hệ thống quản lý thông tin dữ liệu về nạn nhân bom mìn, tình trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ và khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh một cách hệ thống, đầy đủ, khoa học; nghiên cứu, xây dựng thiết bị và chương trình mô phỏng hỗ trợ huấn luyện, đào tạo trong lĩnh vực rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ nhằm nâng cao hiệu quả công tác rà phá và tránh được tổn thất về người và trang thiết bị.

Image

Đồng chí Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội nghị

Giai đoạn 1 của Chương trình triển khai thực hiện 16 đề tài, tập trung nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các trang thiết bị phục vụ công tác quản lý và hoạt động rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Nhiều đề tài của Chương trình KC.BM có nội dung khoa học mới, phức tạp, các sản phẩm chế tạo có mức độ tích hợp công nghệ rất cao. Trong quá trình triển khai thực hiện các đơn vị chủ trì, chủ nhiệm đề tài đã gặp không ít khó khăn cả trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và trong quá trình thử nghiệm trên thực địa, như: Việc xử lý ảnh hưởng của nhiễu điện từ đến các cảm biến đo lường trong hệ thống mô phỏng thực tại ảo; nội dung thu, phát, xử lý tín hiệu điện từ trường trong các môi trường không đồng nhất; kỹ thuật thiết kế khuôn ép chế tạo mũ chống đạn; việc thử nghiệm thiết bị trên sông, biển ở độ sâu đến 70m, sóng, gió đến cấp 4; trang, thiết bị thử nghiệm, kiểm tra đánh giá trong điều kiện cháy, nổ; thử nghiệm thiết bị trên các công trường rà phá bom mìn trong điều kiện nắng nóng trên 40oC,... Tuy nhiên, cùng với sự quyết tâm của đơn vị chủ trì, chủ nhiệm đề tài, sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Cục Khoa học quân sự và Ban Chủ nhiệm Chương trình các đề tài đã hoàn thành nội dung nghiên cứu đảm bảo tiến độ, sản phẩm được chế tạo thành công có chất lượng đáp ứng yêu cầu, một số chỉ tiêu tính năng kỹ thuật vượt hơn so với yêu cầu Thuyết minh đề ra.

Đến nay, 16/16 đề tài, nhiệm vụ KH&CN đã hoàn thành nội dung nghiên cứu và đánh giá, nghiệm thu cấp Bộ Quốc phòng. Trong đó có 01 đề tài được Hội đồng khoa học đánh giá đạt kết quả “Xuất sắc” và được trao giải nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, năm 2022; 15 đề tài được đánh giá “Đạt”.

Kết quả thực hiện giai đoạn 1 Chương trình KC.BM có 41 bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước (trong đó có 04 bài quốc tế); tham gia, hỗ trợ đào tạo 03 tiến sĩ, 20 thạc sĩ và hàng chục cán bộ, công nhân kỹ thuật. Đặc biệt đã có 01 bằng độc quyền sáng chế đối với “Hệ thống thiết bị và phương pháp thu thập dữ liệu quá trình rà phá bom mìn, hỗ trợ quản lý và điều hành hoạt động rà phá bom mìn”.

Đội ngũ cán bộ nghiên cứu đã làm chủ được một số công nghệ mới, hiện đại phục vụ cho thiết kế, chế tạo các trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, hoạt động rà phá, khắc phục hậu quả ô nhiễm bom mìn, như: Công nghệ mô phỏng thực tại ảo kết hợp hệ thống cảm biến và đo lường điều khiển, công nghệ mô phỏng bán tự nhiên; công nghệ mã hóa nhiều lớp, truyền dẫn thông tin qua mạng vô tuyến, xây dựng bản đồ số từ những điểm đo rời rạc; công nghệ xử lý tín hiệu số; công nghệ xử lý tín hiệu dò tìm bom mìn theo nguyên lý ra đa xuyên đất; công nghệ xử lý dữ liệu 3 trục tọa độ để phát hiện và quản lý mục tiêu bom mìn dưới nước trên nền bản đồ mã hóa màu; công nghệ ép nóng ở nhiệt độ và áp suất cao, công nghệ vật liệu và in 3D composite để chế tạo mũ và giáp chống đạn; công nghệ tự động hóa, điều khiển từ xa trong thiết kế, chế tạo các robot; công nghệ vi mạch điện tử hiện đại.

Image

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến phát biểu tại Hội nghị

Đánh giá cao kết quả giai đoạn 1 của Chương trình KC.BM, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho rằng thành công của Chương trình đã khẳng định vai trò của Quân đội trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam; nhất là bước đầu làm chủ được thiết kế và chế tạo thành công một số trang thiết bị hiện đại, giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được trong Chương trình, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị, phương tiện để nâng cao tốc độ, hiệu quả, chất lượng hoạt động rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ; bảo đảm an toàn cho người và không gây ô nhiễm môi trường.

Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến chỉ rõ, diện tích ô nhiễm bom mìn ở nước ta hiện nay còn rất lớn. Do đó, cần tập trung trọng điểm các nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế, chế tạo ứng dụng ngay thực tế để nâng cao hiệu quả rà phá, xử lý bom mìn góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng đất sạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân các vùng bị ô nhiễm. 

Kết luận Hội nghị, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến ghi nhận, biểu dương Ban Chủ nhiệm chương trình, các chủ nhiệm đề tài, các cơ quan, đơn vị, bộ, ngành có liên quan đã tổ chức chương trình thành công, đúng như mục tiêu đề ra. Giao cho Cục Khoa học Quân sự phối hợp với Bộ Tư lệnh Binh chủng Công binh và Ban Chủ nhiệm của chương trình hướng dẫn các cơ quan đơn vị chủ nhiệm đề tài hoàn thiện thủ tục để công nhận và phê duyệt kết quả đầu tiên. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu để mở rộng chương trình, kể cả quy mô và phạm vi hoạt động. Đưa các sản phẩm nghiên cứu của chương trình vào sử dụng và đánh giá sản phẩm.

Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của chương trình và các công trình đang nghiên cứu; tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để làm chủ việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên tiến trong dò tìm, xử lý bom mìn và đi-ô-xin. Tăng cường trao đổi, chia sẻ hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội về phạm vi của Chương trình và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, huy động nguồn lực cho hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam.

Tại Hội nghị, có 4 tập thể và 10 cá nhân được Bộ Quốc phòng khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình.

Image

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến trao khen thưởng tặng các tập thể đạt thành tích cao trong thực hiện Chương trình KC.BM

Image

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết và đồng chí Bùi Thế Duy, trao khen thưởng tặng các cá nhân đạt thành tích cao trong thực hiện Chương trình KC.BM

Image

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và các đại biểu tham quan một số sản phẩm của Chương trình được trưng bày tại Hội nghị

Image

Các đại biểu dự Hội nghị chụp hình lưu niệm

 

Phi Trường

Phòng KHĐP VNMAC

*
*
*
0 bình luận

Tin tức mới



Liên kết trang