Tuyên truyền giáo dục
Hội thảo xây dựng Chiến lược quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn đến năm 2030, tầm nhìn 2050
(26/05/25 16:43)
Sáng 26/5/2025, tại Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), đã diễn ra Hội thảo "Xây dựng Chiến lược quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Hội thảo do Đại tá Lê Quang Hợp - Phó Tổng Giám đốc thường trực VNMAC chủ trì, cùng sự tham dự của đại diện các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Binh chủng Công binh, các chuyên gia trong nước, cùng đại diện các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Đại tá Lê Quang Hợp, Phó Tổng Giám đốc thường trực VNMAC phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tá Lê Quang Hợp cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, công tác giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu thương vong. Tuy nhiên, tình trạng tai nạn vẫn còn xảy ra do hệ thống pháp lý chưa đồng bộ và công tác chỉ đạo ở một số nơi còn hạn chế. Ông nhấn mạnh, theo Quyết định số 748/QĐ-TTg ngày 22/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025 đã xác định “Xây dựng chiến lược quốc gia về giáo dục nguy cơ tai nạn bom mìn làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và nội dung thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu đồng bộ, thống nhất trong phạm vi toàn quốc”.
Quang cảnh Hội thảo
Theo số liệu tổng hợp đến hết năm 2024 vẫn còn gần 5,6 triệu héc-ta diện tích đất còn bị ô nhiễm BMVN, chiếm khoảng 17,71% diện tích đất tự nhiên. Chủng loại bom mìn tồn lưu đa dạng, phức tạp nằm rải rác cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trong đó, 19/63 tỉnh, thành phố bị ô nhiễm nặng. Ngay trong những năm gần đây, vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn bom mìn đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Trước thực trạng trên, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn đã được xác định là một trong năm nội dung quan trọng của hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, được quy định tại Điều 4 Nghị định số 18/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Công tác này bao gồm việc phổ biến thông tin, giáo dục, tập huấn cho cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực ô nhiễm nặng, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và giảm thiểu nguy cơ thương vong.
Bà Hoàng Hạnh Nguyên - Chuyên gia ODA
Tại buổi hội thảo, các đại biểu, chuyên gia và đại diện các cơ quan đã cùng nhau đánh giá toàn diện tình hình công tác giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn thời gian qua, đồng thời thảo luận sâu về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chiến lược. Nội dung thảo luận đi sâu vào việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, xác định rõ vai trò của từng bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện. Tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận cao được thể hiện qua những đề xuất thiết thực, nhằm hoàn thiện Chiến lược với trọng tâm là đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, đảm bảo hiệu quả và chất lượng công tác phòng tránh bom mìn trong giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn xa hơn.
Ông Gooson Kwon - Cố vấn trưởng dự án KVPVP
Tại buổi hội thảo, các đại biểu, chuyên gia và đại diện các cơ quan đã cùng nhau đánh giá toàn diện tình hình công tác giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn thời gian qua, đồng thời thảo luận sâu về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chiến lược. Nội dung thảo luận đi sâu vào việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, xác định rõ vai trò của từng bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện. Tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận cao được thể hiện qua những đề xuất thiết thực, nhằm hoàn thiện Chiến lược với trọng tâm là đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, đảm bảo hiệu quả và chất lượng công tác phòng tránh bom mìn trong giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn xa hơn.
Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Hội thảo lần này là bước khởi động quan trọng để xây dựng một Chiến lược quốc gia mang tính tổng thể, dài hạn và bền vững về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế và toàn xã hội. Đây cũng là minh chứng rõ ràng cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới một tương lai không còn nỗi lo bom mìn cho thế hệ mai sau.
Hoàng Yến
Phòng Kế hoạch - Điều phối VNMAC