Tuyên truyền giáo dục
Hội thảo Xây dựng Chiến lược quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
(26/03/25 14:41)
Sáng nay 26/3/2025, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) đã Khai mạc Hội thảo Xây dựng Chiến lược quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Đại tá Lê Quang Hợp, Phó Tổng Giám đốc thường trực VNMAC chủ trì Hội thảo.
Các đạo biểu dự Hội thảo
Cùng dự có các đồng chí đại biểu các cơ quan Bộ Quốc phòng; Cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nội vụ; Bộ Y tế; Ban Tổng Giám đốc VNMAC, Các chuyên gia am hiểu sâu về công tác xây dựng văn bản, công tác khắc phục hậu quả bom mìn; Đại biểu các quân khu 1,2,3; Đại biểu các cơ quan Bộ Tư lệnh Công binh; Đại biểu các đơn vị Công binh khu vực phía bắc.
Đại tá Lê Quang Hợp, Phó Tổng Giám đốc thường trực VNMAC phát biểu khai mạc Hội thảo
Có thể nói, công tác giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ hiện nay còn gặp nhiều thách thức, đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực phối hợp từ các cấp, các ngành và toàn xã hội. Những ý kiến đóng góp của đại biểu các cơ quan đơn vị, các đồng chí thành viên Tổ nghiên cứu, các chuyên gia tại Hội thảo sẽ là cơ sở để xây dựng được một Chiến lược toàn diện, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, góp phần xây dựng một xã hội an toàn, không còn tai nạn bom mìn vật nổ, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội bền vững của đất nước.
Đại tá Nghiêm Xuân Long, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc VNMAC trình bày báo cáo đề dẫn dự thảo chiến lược
Tại Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về quản lý và thực hiện khắc phục hậu quả BMVN sau chiến tranh đã xác định “Tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh nhằm cung cấp kiến thức về các loại bom mìn vật nổ, tác hại của bom mìn vật nổ, biện pháp phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ; việc tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với các đối tượng”.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm
Hội thảo sẽ tập trung đánh giá tình hình công tác giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn trong nước thời gian qua, nghiên cứu các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, việc huy động, bố trí nguồn lực và nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Chiến lược. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện Chiến lược trọng tâm là các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho công tác giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ, bảo đảm chất, lượng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác phòng tránh tai nạn bom mìn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Văn Thân
Phòng Kế hoạch Điều phối/ VNMAC