Nghiên cứu phát triển
Tổ chức tốt công tác huấn luyện nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả bom mìn
(09/09/21 14:39)
Với diện tích được xác nhận ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn vật nổ phân bố rộng trên địa bàn cả nước, chủng loại đa dạng, đồng thời biến động phức tạp do ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết, mật độ dân số cao và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội mà các nguy cơ xảy ra tai nạn bom mìn vật nổ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước vẫn tiềm ẩn, thậm chí còn gia tăng ở một số khu vực; nhiều tỉnh thành vẫn tiếp tục phát hiện bom mìn vật nổ còn sót lại, thậm chí là trong khu vực đông dân cư. Tai nạn và thương vong do bom mìn vật nổ đáng chú ý bởi tính sát thương cao, ảnh hưởng tới an toàn, mọi mặt cuộc sống của người dân và sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Theo số liệu thống kê trong vòng 5 năm (2005-2010) có 1813 nạn nhân do bom mìn vật nổ sót lại, trong đó tử vong 919 và bị thương 894; có trên 50% số tỉnh thành phố ở Việt Nam vẫn còn xảy ra tai nạn bom mìn.
Bộ đội tập kết bom mìn sau khi rà phá
Trước yêu cầu đặt ra, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đã được thành lập theo quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 04/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ (với tên giao dịch bằng tiếng Anh là Vietnam National Mine Action Centre - viết tắt là VNMAC); là tổ chức đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giao Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý để thực hiện việc điều hành, phối hợp triển khai các nhiệm vụ của Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Chương trình 504) tại Việt Nam.
Trung tâm có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất chính sách, xác định mục tiêu, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn (KPHQBM) dài hạn, trung hạn và ngắn hạn; là đầu mối chính thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, vận động tài trợ cấp quốc gia; triển khai công tác tuyên truyền vận động tài trợ; tổ chức hoạt động nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia KPHQBM sau chiến tranh; quản lý thông tin và tổ chức điều phối thực hiện các dự án, nhiệm vụ rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân, tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn và các nhiệm vụ khác được giao.
Những năm qua, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 504 (nay là Ban chỉ đạo 701) trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều phối thực hiện Chương trình 504; đẩy nhanh tiến độ KPHQBM tại những vùng bị ô nhiễm, tập trung ở những địa bàn có diện tích ô nhiễm cao như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang..., góp phần tích cực trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế xã hội cho cộng đồng tại các địa phương.
Trong điều kiện là đơn vị mới được thành lập, lực lượng nòng cốt là các cán bộ, nhân viên thuộc Binh Chủng Công binh, chưa quen với các nhiệm vụ mới của Trung tâm. Mặt khác hoạt động KPHQBM sau chiến tranh cũng từng bước hội nhập quốc tế, cần huy động nguồn lực, tài trợ từ các quốc gia, Tổ chức quốc tế, Tổ chức Phi Chính phủ... nên đòi hỏi phải tiệm cận với các tiêu chuẩn Quốc tế. Vì vậy việc huấn luyện nâng cao năng lực cho VNMAC và các lực lượng tham gia KPHQBM sau chiến tranh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong nước, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế là một yêu cầu cấp thiết.
Từ thực tiễn đó, ngay từ khi được thành lập VNMAC đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Công binh và các Tổ chức quốc tế, Tổ chức Phi Chính phủ để tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ quản lý của VNMAC, cán bộ, nhân viên tham gia hoạt động KPHQBM sau chiến tranh với nhiều nội dung thiết thực đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Kết quả cụ thể:
1. Huấn luyện, tập huấn cán bộ quản lý hoạt động
Quân số tham gia 29 học viên (học viên người Việt Nam: 15, học viên quốc tế: 14); thời gian tập huấn từ ngày 21/9 đến ngày 09/10/2015.
Nội dung cơ bản là công tác quản lý về các vấn đề liên quan đến KPHQBM vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại khu vực Đông Nam Á, huy động nguồn lực phục vụ cho KPHQBM, công tác lãnh đạo, điều hành, xây dựng kế hoạch..., việc huy động nguồn lực cho hỗ trợ nạn nhân do bom mìn vật nổ tại Việt Nam và tham quan hiện trường tại Quảng Bình, Quảng Trị. Trong đó tập trung vào vị trí, vai trò, trách nhiệm của các nhà quản lý; các kỹ năng về quản lý như xây dựng kế hoạch, tổ chức, điều hành, kiểm soát, quản lý thông tin phục vụ cho xây dựng kế hoạch, ra quyết định; các phương pháp lãnh đạo hiệu quả, huy động nguồn lực và xây dựng năng lực, quản lý bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, những thách thức và các giải pháp; cơ cấu tổ chức và thành quả các tổ chức đã thực hiện trong hoạt động KPBMVN sau chiến tranh; từ đó đề ra các chính sách cụ thể, mục tiêu chiến lược và phương pháp thực hiện tiếp theo.
Ngoài ra, đã tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 100% cán bộ của VNMAC về công tác tham mưu kế hoạch, công tác quản lý Dự án, Chương trình, quản lý nguồn vốn, kỹ năng xây dựng các Bộ Quy chuẩn, Tiêu chuẩn, Quy trình và công tác chỉ huy điều hành hoạt động KPHQBM; các nguyên tắc, quy định, kỹ năng trong quan hệ quốc tế, hội nhập quốc tế trong KPHQBM.
Lớp tập huấn cán bộ quản lý hoạt động KPHQBM
2. Huấn luyện, tập huấn cán bộ quản lý thông tin
Giai đoạn từ năm 2016-2021, thông qua hoạt động các dự án do Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) tại việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOIKA) tài trợ, đã tổ chức 6 lớp tập huấn cơ bản và nâng cao cho cán bộ, nhân viên của VNMAC, 1 lớp cho cán bộ làm nhiệm vụ quản lý thông tin của các đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ về những kỹ năng cần thiết cho công tác quản lý thông tin hoạt động KPHQBM.
Khai mạc lớp tập huấn xây dựng bộ công cụ đánh giá hiệu quả công việc (KPIs)
Nội dung tập huấn tập trung vào vị trí, vai trò của công tác quản lý thông tin, dữ liệu KPHQBM; cách thức tổ chức, triển khai và khai thác sử dụng các phần mềm chuyên dụng, kỹ năng thu thập - tổng hợp thông tin, dữ liệu và xây dựng bộ công cụ đánh giá hiệu quả công việc (KPIs) trong quản lý thông tin các hoạt động KPHQBM. Cho đến nay hoạt động quản lý thông tin KPHQBM đã được thực hiện đồng bộ trong dự án “Việt Nam -Hàn Quốc chung tay khắc phục hậu quả bom mìn” tại 2 tỉnh Quảng Bình, Bình Định do KOIKA tài trợ (gọi tắt dự án KV-MAP) và nhiều dự án khác; đồng thời đang từng bước triển khai trên toàn quốc. VNMAC và lực lượng tham gia tập huấn đã có năng lực cơ bản trong triển khai quản lý thông tin theo quy định và tiêu chuẩn Việt Nam, phù hợp với Tiêu chuẩn quốc tế hiện hành.
3. Huấn luyện, tập huấn theo tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế (IMAS - International Mine Action Standards)
Từ năm 2016 đến nay, tập huấn nhân viên xử lý vật liệu nổ chia thành 18 đợt, tổng quân số 45 học viên. Nội dung tập huấn: công dụng, cấu tạo, quy trình sử dụng các loại máy dò mìn; phương pháp nhận biết và xử lý tốt các tín hiệu vật nổ; quy trình rà phá cơ động, rà phá theo khu vực và các quy trình, biện pháp trong quá trình hủy nổ. Tập huấn xử lý y tế ban đầu, chia thành 6 đợt, quân số 33 học viên. Học viên được học các kiến thức chuyên môn sâu hơn về cách nhận biết, phân loại và kỹ thuật xử lý các loại chấn thương, kỹ năng thực hành trong xử lý, ứng phó các tình huống cấp cứu do chấn thương thường gặp và phương pháp kỹ năng giảng dạy. Kết thúc khóa học, phần lớn học viên được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình khóa học và có kiến thức, kỹ năng tốt trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Lớp tập huấn IMAS
4. Huấn luyện, tập huấn các nội dung liên quan khác
Để hoạt động KPHQBM được tiến hành đồng bộ, chất lượng, VNMAC đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao năng lực quản lý, triển khai, điều hành các dự án có nguồn vốn nước ngoài. Phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức lớp huấn luyện tiền triển khai thực hiện dự án KV-MAP cho 230 cán bộ, nhân viên và lớp tập huấn công tác xây dựng, quản lý, điều hành kế hoạch và quản lý tài chính trong các dự án khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn cho 80 nhân sự từ 28 đơn vị Công binh toàn quân đạt kết quả tốt. Bồi dưỡng kiến thức đối ngoại quân sự, bảo vệ an ninh cho cán bộ, nhân viên trong toàn Trung tâm. Tổ chức và duy trì thường xuyên lớp tập huấn với Cố vấn Kỹ thuật của VNMAC nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên về quản lý công tác KPHQBM sau chiến tranh theo tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế.
Huấn luyện tiền dự án KV-MAP
Trong những năm qua, công tác KPHQBM sau chiến tranh nói chung, huấn luyện nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia KPHQBM của VNMAC nói riêng đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Các khóa tập huấn đã nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên và các lực lượng trong việc quản lý chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quản lý thông tin, cập nhật số liệu rà phá bom mìn, số liệu điều tra lập bản đồ ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc vào cơ sở dữ liệu bom mìn quốc gia. Nhận biết về các loại vũ khí, bom, mìn, vật nổ được sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam, thao tác thành thạo các loại máy dò bom mìn ở độ sâu lớn, nhận biết và xử lý các tín hiệu vật nổ, nắm chắc được quy trình rà phá cơ động, rà phá theo khu vực và quy trình, biện pháp trong quá trình hủy nổ, quy trình quản lý chất lượng, quản lý rủi ro trong rà phá và xử lý bom, mìn, vật nổ. Tuy nhiên, để rà phá hết bom mìn và đẩy nhanh tiến độ rà phá, chúng ta cần huy động các nguồn lực, phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy tắc an toàn, phổ biến thông tin và hỗ trợ làm sạch bom mìn... Trong thời gian tới, để hoạt động huấn luyện, nâng cao năng lực trong KPHQBM sau chiến tranh tại Việt Nam đạt hiệu quả cao, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp:
Một là, cần mở rộng hợp tác quốc tế một cách toàn diện, đầy đủ hơn để tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là về huấn luyện, đào tạo, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị chuyên dùng, nghiên cứu khoa học... Thúc đẩy hợp tác đa phương giữa các nước thành viên trong KPHQBM, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia về triển khai hoạt động KPHQBM trong khu vực và quốc tế; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về công tác huấn luyện rà phá bom, mìn của các quốc gia thành viên. Đề xuất xây dựng một trung tâm huấn luyện bom mìn quốc gia mang tầm khu vực Đông Nam Á, theo tiêu chuẩn quốc tế với các đường dò phục vụ huấn luyện, thực hành nâng cao năng lực chuyên môn cho tất cả các đối tượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; huấn luyện, tập huấn về hành động mìn nhân đạo trong nước và khu vực; là nơi thử nghiệm, ứng dụng các khí tài, trang thiết bị khảo sát, rà phá bom mìn mới; là nơi đào tạo nhân viên xử lý vật liệu nổ theo tiêu chuẩn quốc tế ở các cấp độ về tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế IMAS và hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm huấn luyện bom mìn cấp khu vực.
Hai là, tập trung xây dựng lực lượng, tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ và các nguồn lực khác, nhằm nâng cao khả năng xử lý bom, mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Theo đó, tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức, đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao năng lực của các lực lượng rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ. Trước hết, tập trung xây dựng lực lượng Công binh, bảo đảm đủ khả năng làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ KPHQBM trên phạm vi cả nước cũng như trong khu vực ASEAN và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; tăng cường xã hội hóa, xây dựng lực lượng bán chuyên trách.
Ba là, thường xuyên kiện toàn, xây dựng tổ chức, nâng cao chất lượng huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng, diễn tập, chú trọng xây dựng bản lĩnh chính trị, trình độ, kỹ năng chuyên môn, làm chủ công nghệ mới về xử lý bom mìn cho lực lượng làm nhiệm vụ KPHQBM. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào thiết kế, chế tạo và khai thác, sử dụng các loại trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu KPHQBM vật nổ tồn lưu cả trước mắt và lâu dài.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế (IMAS) ở các cấp độ, trong đó chú trọng nâng cao quy trình khảo sát, rà phá, quy trình quản lý chất lượng, quản lý rủi ro, kỹ năng thực hành, thực hiện nhiệm vụ của đội trưởng, nhân viên, giảng viên; thường xuyên cung cấp các chỉ tiêu cho các học viên trong xử lý vật liệu nổ (EOD); xử lý y tế ban đầu trong tai nạn bom mìn của Việt Nam; tham gia các chương trình học tập, tập huấn của các tổ chức Quốc tế, nhằm bảo đảm cung cấp đồng bộ, đủ nguồn lực cho công tác huấn luyện, đào tạo.
Chương trình Hành động quốc gia KPHQBM sau chiến tranh tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, trách nhiệm và sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay giúp đỡ Việt Nam sớm loại bỏ sự nguy hiểm bởi bom mìn do chiến tranh để lại. Để thực hiện Chương trình hiệu quả, hoạt động huấn luyện, nâng cao năng lực quản lý điều hành và năng lực rà phá bom mìn cho các lực lượng tham gia hoạt động KPHQBM tại VNMAC đã và đang được triển khai đồng bộ, có chất lượng trên cơ sở áp dụng linh hoạt các giải pháp trong quá trình thực hiện; đây là tiền đề cho việc phát huy tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ của VNMAC trong việc phối hợp, điều phối thực hiện hoạt động KPHQBM còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam, từng bước đem lại màu xanh và cuộc sống an toàn cho cộng đồng dân cư tại các khu vực bị ô nhiễm bom mìn vật nổ, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.
Đại tá Nguyễn Văn Ngọ
Phó Trưởng phòng Kỹ thuật/VNMAC