Khảo sát rà phá

Rà phá bom mìn sau chiến tranh: "Phải cần thêm rất nhiều thời gian và nguồn lực"

(21/12/19 08:46)

Rà phá bom mìn sau chiến tranh: Phải mất thêm hàng trăm năm - Ảnh 1.

Các nhân viên thuộc dự án Peace Tree chuẩn bị hủy quả bom có trọng lượng 1.000 cân Anh (pound), được phát hiện ở xã Thanh (vùng biên giới Việt Lào) rồi vượt qua hơn 100 cây số đến địa điểm hủy - Ảnh: T.L.

Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, phó tổng giám đốc Trung tâm Hành động quốc gia bom mìn Việt Nam, trò chuyện với Tuổi Trẻ Cuối Tuần quanh một câu hỏi cực lớn “Việt Nam sẽ làm gì để “làm sạch” diện tích đất ô nhiễm bom mìn?”.

Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc cho biết số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố Việt Nam, trong đó nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung. Quảng Bình, Quảng Trị là những tỉnh có diện tích ô nhiễm bom mìn nhiều nhất, có huyện có tới trên 80% diện tích ô nhiễm bom mìn.

Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, phần lớn họ là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Tất cả các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm và có thể gây nổ khi tác động phải trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt, hoặc tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hóa học.

Những năm qua, nhất là từ khi có chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn, Việt Nam đã đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn tại những vùng bị ô nhiễm, tập trung ở những địa bàn có diện tích ô nhiễm cao như Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang...

Và hơn 6,1 triệu hecta là con số diện tích nghi ngờ ô nhiễm bom mìn, từ kết quả khảo sát, điều tra tác động của bom mìn, vật liệu nổ còn lại sau chiến tranh dựa trên các bằng chứng, thông tin. Sau khi khảo sát kỹ thuật bằng máy móc thiết bị thì mới khoanh vùng được diện tích ô nhiễm.

* Thưa ông, công tác khắc phục hậu quả bom mìn hiện nay tập trung vào những hoạt động nào?

- Chúng ta tập trung công tác hỗ trợ nạn nhân, rà phá bom mìn và giáo dục nguy cơ bom mìn, trong đó có hỗ trợ nạn nhân trong và sau chiến tranh.

Về rà phá bom mìn, vnmac_web đã khảo sát, phân tích để tháng 4-2018 có được bản đồ ô nhiễm bom mìn Việt Nam, trong đó đã xác định được phạm vi, mức độ ô nhiễm...

* Đâu là những khó khăn và tốn kém của công tác này?

- Ở Việt Nam có duy nhất bộ đội công binh là lực lượng rà phá bom mìn. Thế giới đã có các phương tiện hiện đại như máy phá mìn có thể phá hủy bom mìn tại chỗ - cái mà mình mong muốn từ lâu nhưng đến giờ vẫn chưa có được.

Bom mìn ở ta thì phức tạp nhiều chủng loại, xuất xứ từ nhiều nước, nằm ở những độ sâu và địa hình khác nhau. Sau nhiều năm, quân đội làm rất nhiều nhưng để làm thành chiến dịch thì chưa có. Chỉ có những đợt rà phá để giải phóng mặt bằng xây dựng các khu dân cư, các công trường, nhà máy... chứ chưa có một chương trình quốc gia nào lớn cả.

Ta không làm được nhiều vì độ khó khăn, vì sự phức tạp, vì thế bom mìn cứ dồn đọng, càng phức tạp. Có những vùng ô nhiễm nặng như quốc lộ 20 đi sang Lào, bom dày đặc. Những vùng này dân đi làm nương chọc xuống tra rẫy có khi cũng vấp phải bom mìn.

Cái khó nữa là bao nhiêu năm việc rà phá bom mìn gần như chỉ được coi như việc của quân đội, nên không thể huy động được nguồn lực xã hội. Do cơ chế như vậy nên các nghiên cứu về quản lý, khoa học kỹ thuật cũng hạn chế. Việc tuyên truyền cũng như nhận thức của người dân về bom mìn cũng hạn chế.

Chưa ở đâu như Việt Nam khi tìm thấy bom mìn, lực lượng chức năng đang trục vớt chúng thì rất đông người dân đứng trên cầu quay phim, chụp ảnh. Rồi cũng có thể do nhận thức, có thể do kinh tế, nhiều người vẫn bất chấp ngồi... cưa bom.

Ở châu Âu, khi phát hiện bom thì phải sơ tán dân trong vùng, chi phí cho sơ tán cũng lớn. Còn Việt Nam khi phát hiện bom mìn thì phải xử lý bom mìn ngay tại chỗ, không có kinh phí để sơ tán.

Các nước họ xã hội hóa việc này, tư nhân tham gia và bỏ tiền, nhưng ở Việt Nam thì hầu như toàn bộ kinh phí rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn là từ ngân sách nhà nước.

Rà phá bom mìn sau chiến tranh: Phải mất thêm hàng trăm năm - Ảnh 3.

Bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên đất liền Việt Nam (tổng hợp kết quả điều tra của các tỉnh từ 2010 đến 2013 - Nguồn: vnmac_web

* Từ năm 2010, khi có chương trình quốc gia, ta đã "làm sạch" được bao nhiêu diện tích đất đai ô nhiễm bom mìn. Hiện ta có bao nhiêu dự án rà phá bom mìn?

- Chương trình này kỳ vọng lớn, mục tiêu đòi hỏi từ năm 2010 - 2025 mỗi năm phải giải quyết ít nhất 30.000 - 50.000ha bom mìn được rà phá.

Nếu kế hoạch như vậy thì 20 năm mới làm được 1 triệu hecta. Với trên 6,1 triệu hecta đất đang ô nhiễm, nghi ô nhiễm bom mìn thì phải mất đến hơn cả trăm năm và phải là nỗ lực tối đa của Chính phủ, của các bộ, ngành mới làm được.

Hơn tám năm, bình quân mỗi năm Việt Nam rà phá, làm sạch được khoảng 30.000ha. Tính từ năm 2010 đến nay chúng ta đã rà phá, làm sạch được hơn 200.000ha đất ô nhiễm bom mìn. Số liệu "khoảng" như vậy là cơ sở dữ liệu của ta chưa hoàn chỉnh, cơ chế chưa hoàn chỉnh nên không cập nhật đầy đủ.

Hiện có rất nhiều dự án lớn nhỏ khác nhau, với những mục tiêu khác nhau, triển khai ở những địa bàn khác nhau.

Ví dụ dự án 20 triệu USD của Chính phủ Hàn Quốc là dự án viện trợ không hoàn lại, làm ở hai tỉnh Bình Định và Quảng Bình, tập trung vào 5 hợp phần: rà phá bom mìn; hỗ trợ nạn nhân; giáo dục nguy cơ tai nạn bom mìn; quản lý thông tin, xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia; nâng cao năng lực quản lý điều hành.

* Ông có thể cho biết để làm sạch 1ha đất thì mất bao nhiêu tiền?

- Mất nhiều chi phí khác nhau và theo từng thời kỳ, giai đoạn. Trước đây thì chỉ 15-20 triệu đồng/ha. Có những nơi, những địa bàn do mức độ, mật độ ô nhiễm lớn, chi phí rà phá 1ha bom mìn vượt quá 20 triệu đồng/ha.

Và để làm sạch 1ha đất ô nhiễm bom mìn còn phụ thuộc vào tổ chức trong nước hay nước ngoài thực hiện. Nếu do Việt Nam thì có giá như trên, nhưng nếu là các tổ chức quốc tế triển khai, các dự án nước ngoài thì lại giá khác vì chi phí cho nhân công tăng, lương chuyên gia của họ đã lên tới 60-70 triệu đồng/tháng, Việt Nam không chi trả nổi, chưa nói đến do máy móc hiện đại nên chi phí của họ cũng rất cao.

Kinh phí là cái khó khăn nhất trong công tác rà phá bom mìn. Từ khi có chương trình quốc gia, chúng ta có thêm lực lượng nước ngoài vào tham gia. Các tổ chức nước ngoài vào thì họ tự đào tạo, huấn luyện nhân lực người Việt Nam để thực hiện.

* Rất nhiều khu vực như vùng biên giới phía Bắc, tại Vị Xuyên (Hà Giang) vẫn còn rất nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, mà một trong những nguyên nhân chính là ở khu vực đó vẫn còn quá nhiều bom mìn, vật liệu nổ. vnmac_web có kế hoạch thế nào đối với các khu vực này?

- Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là một trong những ưu tiên của Đảng, Nhà nước ta. Một trong những nhiệm vụ mà vnmac_web sẽ tập trung trong thời gian tới là tiếp tục hợp tác và triển khai nhiều dự án với nước ngoài.

Trước mắt tập trung xây dựng dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án "Khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh" tại 5 tỉnh, trong đó có Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Trị và Quảng Nam bằng nguồn vốn ODA tài trợ.

* Được biết vnmac_web đang có một đề xuất mới về xử lý bom mìn?

- Trước đây quy trình của ta là cứ dò mìn hết tất cả diện tích nghi ngờ ô nhiễm, như vậy không có ngân sách nào chi trả nổi. Muốn làm được phải có cơ chế. Giờ thì Việt Nam mới hoàn thiện cơ chế rà phá bom mìn, vừa có nghị định 18/2019/NĐ-CP ban hành ngày 1-2-2019 về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, sắp tới sẽ có thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này.

Hiện nay, tại các địa phương, có tỉnh đang rà soát, điều tra, cũng có tỉnh đã đi bước tiếp theo là khảo sát kỹ thuật. Nhưng muốn khảo sát kỹ thuật toàn quốc thì cần một dự án rất quy mô và tốn kém. vnmac_web đề xuất một dự án lớn là làm điều tra kỹ thuật trên phạm vi toàn quốc.

Nguồn lực cần tập trung cho nó và có thể phải chi hàng ngàn tỉ đồng. Nhưng vnmac_web cũng đang nghiên cứu một hướng khác là quản lý rủi ro trong khắc phục hậu quả bom mìn. Nghĩa là thay vì đưa chỉ tiêu diện tích được rà phá, chúng tôi sẽ đưa mục tiêu, chỉ tiêu là những rủi ro nào do bom mìn gây ra được hạn chế, khắc chế, bãi bỏ.

Điều này giống như các nước châu Âu đã và đang làm. Tức là thay vì khẩu hiệu "Vì một đất nước không có bom mìn sau chiến tranh", bây giờ ta sẽ thực hiện "Vì một đất nước quản lý tốt bom mìn sau chiến tranh, không còn tác hại bom mìn sau chiến tranh".

* Cảm ơn ông.

*
*
*
0 bình luận

Tin tức mới



Liên kết trang