Hỗ trợ nạn nhân
Nhiều chính sách hỗ trợ nạn nhân bom mìn được triển khai tích cực, hiệu quả
(21/12/19 09:24)
Từ năm 1975 đến nay, bom, mìn còn sót lại phát nổ làm hơn 40.000 người tử vong, 60.000 người bị thương, phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng
Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng và Nhà nước xác định việc khắc phục hậu quả bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách và cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Theo ông Tô Đức, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội): Những năm qua, công tác hỗ trợ nạn nhân bom, mìn đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo điều kiện để nạn nhân bom, mìn hòa nhập cộng đồng. Đến nay, cả nước có có hơn 1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (bao gồm cả nạn nhân bom, mìn) được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trong cả nước đã hoàn thành việc xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật (NKT). Nạn nhân bom, mìn có nhu cầu được phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội từ Nhà nước và cộng đồng để có thể tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế, xã hội. Công tác trợ giúp xã hội thiết yếu cho nạn nhân bom, mìn, bao gồm: Chỉnh hình, phục hồi chức năng; hỗ trợ sinh kế, vay vốn, học nghề, tìm kiếm việc làm; lao động, sản xuất, kinh doanh; tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, vật lý trị liệu, điều trị qua lao động, công tác xã hội, ngôn ngữ trị liệu, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội... Mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với 418 cơ sở trợ giúp xã hội; trong đó, 73 cơ sở chăm sóc NKT (bao gồm nạn nhân bom, mìn) và 45 trung tâm công tác xã hội chuyên biệt. Mạng lưới này cung cấp các dịch vụ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghề và công tác xã hội đối với NKT.
Đào tạo nghề cho người khuyết tật tại huyện Tân Yên (Bắc Giang). Ảnh: MẠNH DŨNG |
Hiện cả nước có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 2.500 trường phổ thông tiến hành giáo dục hòa nhập, 4 trường đại học sư phạm mở mã ngành sư phạm giáo dục đặc biệt và 3 trường cao đẳng sư phạm thành lập khoa giáo dục đặc biệt. Hệ thống giáo dục này cùng các cơ sở trợ giúp xã hội đã đưa khoảng 1,1 triệu trẻ em khuyết tật (bao gồm cả nạn nhân bom, mìn) ở độ tuổi đi học đến trường. Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội ở cộng đồng, làm công tác quản lý trường hợp, trợ giúp nạn nhân khuyết tật và nạn nhân bom, mìn.
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom, mìn
Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể hỗ trợ NKT trong đó có các nạn nhân của bom, mìn và chất độc da cam, nhưng Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức cả về nhận thức xã hội, nguồn lực, khả năng tiếp cận trang thiết bị cho NKT và cải thiện điều kiện sống cho họ. Đa số NKT tập trung ở nông thôn, có điều kiện sống khó khăn, thuộc các hộ nghèo hoặc cận nghèo, không có việc làm, thu nhập bấp bênh. Mặt khác, việc nhận thức về nguy cơ bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh của người dân chưa cao nên nhiều vụ tai nạn xảy ra đều do thiếu hiểu biết. Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó tổng giám đốc Trung tâm Hành động bom, mìn quốc gia Việt Nam (vnmac_web) nhấn mạnh: "Việc cần làm nhất là triển khai tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom, mìn cho người dân và cộng đồng; đồng thời đẩy mạnh giáo dục nguy cơ về bom, mìn cho người dân, học sinh ở các vùng ô nhiễm bom, mìn là rất cần thiết, nhất là trẻ em. Khả năng tự nhận biết bom, mìn, vật nổ, có ý thức phòng tránh sẽ giúp người dân và cộng đồng biết tự bảo vệ chính mình".
Cùng quan điểm, Thiếu tướng Đào Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Khoa học-Công nghệ Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom, mìn Việt Nam chia sẻ: "Việc tích cực tuyên truyền, phòng tránh sẽ giúp giảm hàng triệu đồng phải hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom, mìn. Thời gian qua, hội cùng các tổ chức liên quan đã tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom, mìn cho người dân và các em học sinh, nhất là các tỉnh trọng điểm ô nhiễm bom, mìn. Hội đã phát hành tập truyện tranh dành cho thiếu niên, nhi đồng với chủ đề “Giáo dục phòng tránh tai nạn bom, mìn sau chiến tranh” với số lượng khoảng 33.000 cuốn. Nội dung và hình thức của những cuốn sách này mang tính giáo dục cao, phù hợp với các em nhỏ. Sách được hội và các chi hội địa phương trao tặng học sinh tại các vùng ô nhiễm bom, mìn trên toàn quốc. Tuy mới ra mắt thử nghiệm, cuốn sách đã nhận được phản hồi rất tốt từ dư luận xã hội, các nhà trường và đông đảo học sinh.
Ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh Văn phòng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận định: Với thực trạng ô nhiễm bom, mìn như hiện nay, Việt Nam cần hàng trăm năm, hàng tỷ USD để khắc phục hoàn toàn bom, mìn, bảo đảm tái định cư, an sinh xã hội cho người dân ở vùng ô nhiễm bom, mìn. Công tác này hiện còn gặp nhiều khó khăn, do đó cần sự tham gia trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nỗ lực của toàn xã hội.