Hỗ trợ nạn nhân

Tăng cường hỗ trợ nạn nhân bom, mìn sau chiến tranh

(21/12/19 09:36)

Việt Nam chịu hậu quả bom mìn nặng nề nhất thế giới

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Theo ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất đai toàn quốc. Hàng năm, trung bình cả nước có khoảng 3.807 người bị chết và bị thương do tai nạn bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra. Đến nay có giảm đi còn khoảng 2.000 người bị tai nạn mỗi năm. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 42.000 người bị chết, hơn 62.000 người bị thương, trong đó phần lớn là  lao động chính trong gia đình và trẻ em. Chỉ tính riêng một số tỉnh miền Trung, gồm: Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi, đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó, 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.

 

Với hơn 6.100.000 ha diện tích đất bị ô nhiễm bom, mìn, nếu mỗi năm dọn sạch 50.000 ha diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn thì Việt Nam cũng phải mất 122 năm. Ô nhiễm bom, mìn không chỉ ảnh hưởng đến đời sống con người và tâm lý xã hội, đến các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mà còn tiêu tốn nguồn lực của đất nước, tác động đến an ninh trật tự và an toàn xã hội

Theo bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH), hỗ trợ nạn nhân bom mìn sau chiến tranh là một trong những hoạt động quan trọng trong chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2010-2020 (chương trình 504).  Chương trình nhằm huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, đảm bảo an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng. “Tuy nhiên, công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh đòi hỏi nguồn nhân lực, vật lực rất lớn, cần huy động nguồn lực trong nước và các tổ chức quốc tế” – bà Lê Kim Dung cho biết.

Hỗ trợ nạn nhân bom mìn

Ông Đào Hữu Minh – Trưởng phòng Công tác Xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Nạn nhân bom mìn có nhu cầu được phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội từ Nhà nước và cộng đồng để có thể tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế, xã hội. Những nạn nhân bom, mìn cần đến các dịch vụ thiết yếu như: Chỉnh hình, phục hồi chức năng; tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý tâm lý, vật lý trị liệu, điều trị qua lao động, công tác xã hội, ngôn ngữ trị liệu, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội.
Công tác hỗ trợ các nạn nhân bom, mìn hoà nhập cộng đồng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về trợ giúp nạn nhân bom mìn lồng ghép với chính sách trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội; được ban hành. Các chính sách trợ giúp với nạn nhân bom mìn như: Trợ cấp hàng tháng, tiếp nhận nạn nhân bom mìn là người khuyết tật đặc biệt nặng, không có khả năng chăm sóc ở cộng đồng, không có người nuôi dưỡng vào cơ sở bảo trợ xã hội. 
"Nạn nhân bom mìn là đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thể bảo hiểm y tế; khi chết họ được hỗ trợ mai táng phí; những người trong độ tuổi lao động được tạo việc làm, ổn định cuộc sống; những người đang học văn hoá, học nghề được miễn phí…Tuy nhiên việc hỗ trợ này mới chỉ hướng đến đối tượng nạn nhân thương tật nặng và vùng bị ô nhiễm nặng.

Cục Bảo trợ xã hội đang xây dựng dự thảo Kế hoạch hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng, lồng ghép trong chương trình hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2017-2020. Trước mắt, đến tháng 6/2017, Cục Bảo trợ xã hội và Sở LĐTBXH các địa phương ô nhiễm nặng bom mìn, sẽ hoàn thành cấp giấy chứng nhận thương tật nhẹ cho nạn nhân bom mìn, để họ được hưởng các dịch vụ công ích như được giảm giá khi đi xe buýt, mua vé tham quan, khám chữa bệnh…” ông Đào Hữu Minh cho biết.

Bên cạnh đó, các địa phương phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn; Phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng mô hình chăm sóc, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật và nạn nhân bom mìn tại một số tỉnh, thành. Đến nay, cả nước hiện có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 2.500 trường phổ thông tiến hành giáo dục hoà nhập...

Bà Nguyễn Thu Hà – Phó trưởng đại diện tổ chức The International Center (IC) cho rằng: “Việc đưa ra chương trình trợ giúp nạn nhân bom, mìn sẽ là một bước tiến quan trọng đối với công tác khắc phục bom mìn nói chung và hỗ trợ nạn nhân nói riêng ở Việt Nam. Đây là cơ sở đê các nhà tài trợ, các tổ chức trong nước và quốc tế lên kế hoạch trợ giúp đối với nạn nhân bom mìn ở Việt Nam dựa trên các mục tiêu mà chương trình đề ra”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc triển khai công tác hỗ trợ nạn nhân bom, mìn; chia sẻ kinh nghiệm và kế hoạch trợ giúp nạn nhân bom, mìn tái hòa nhập cộng đồng, phát triển sinh kế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho các nạn nhân.

*
*
*
0 bình luận

Tin tức mới



Liên kết trang