Hợp tác quốc tế

Chia sẻ kinh nghiệm khắc phục hậu quả bom mìn, vì hoà bình và phát triển bền vững.

(30/03/23 21:36)

Trong 2 ngày 29 và 30/3/2023, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội thảo Khắc phục hậu quả bom mìn vì hoà bình và phát triển bền vững với chủ đề “Trao đổi kinh nghiệm khu vực và tiến bộ công nghệ toàn cầu trong khắc phục hậu quả bom mìn”, với sự tham dự của nhiều đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Image

Đại diện cơ quan hành động bom mìn Việt Nam tham dự có Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam - VNMAC và các cơ quan hành động mìn địa phương.

Image

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh, tuy chiến tranh đã kết thúc từ lâu nhưng bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh tiếp tục là rào cản đối với hoà bình, phát triển bền vững ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới.

Image

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tham dự và phát biểu tại hội thảo

Riêng ở Việt Nam, gần một phần năm diện tích lãnh thổ (khoảng 5,6 triệu héc-ta) còn bị ô nhiễm bởi bom mìn và vật liệu nổ sót lại. Bởi vậy, khắc phục hậu quả bom mìn tiếp tục là yêu cầu cấp thiết và là một phần không thể thiếu trong tiến trình tổng thể về phục hồi, tái thiết hậu xung đột, xây dựng hoà bình, hiện thực hoá các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) theo đúng tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đây là chính sách, quan điểm nhất quán và là thông điệp mạnh mẽ mà Việt Nam luôn thúc đẩy ở cấp độ toàn cầu và triển khai trên thực tế ở Việt Nam.

Thứ trưởng cho biết trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia về Khắc phục hậu quả bom mìn (giai đoạn 2010-2020), Việt Nam đã huy động nguồn lực với tổng giá trị hơn 12 nghìn tỷ đồng và giải phóng được gần 500.000 héc-ta đất bị ô nhiễm để tạo không gian phát triển.

Đây là khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, chỉ có thể được hoàn thành nhờ nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và vai trò chủ công, năng lực chuyên môn cao của Quân đội nhân dân, lực lượng công binh Việt Nam và các lực lượng trực tiếp tham gia công tác khắc phục hậu quả bom mìn ở Trung ương và địa phương.

Cũng trong phiên khai mạc Hội thảo, bà Ramla Al Khalidi, Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh đang cản trở tiến trình phát triển kinh tế-xã hội và đời sống, sinh kế bền vững của người dân không chỉ tại Việt Nam mà còn ở các nước khác trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.

Image

Bà Ramla Al Khalidi, Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo

Bà Ramla Al Khalidi đánh giá cao vai trò dẫn dắt, đi đầu của Việt Nam trong thúc đẩy vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn vì phát triển bền vững tại các diễn đàn quốc tế, nhất là trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.

Ông Lee Kyeong-dock, Công sứ, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh Chính phủ Hàn Quốc cam kết cao với các nỗ lực toàn cầu nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, hướng tới hòa bình và và phát triển bền vững, mong muốn thông qua các dự án khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam có thể đóng góp tích cực cho mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Image

Ông Lee Kyeong-dock, Công sứ, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Diễn ra trong hai ngày 29 đến 30-3, với bảy phiên thảo luận, hội thảo năm nay diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa hoàn tất đánh giá kết quả 10 năm triển khai Chương trình hành động Khắc phục hậu quả bom mìn quốc gia (Chương trình 504), đồng thời đề ra mục tiêu cao trong thời gian tới là phấn đấu không còn tai nạn do bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2025.

*
*
*
0 bình luận

Tin tức mới



Liên kết trang