Hợp tác quốc tế

Bài phát biểu của Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper tại Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình 504

(20/06/22 14:26)

Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài phát biểu của Đại sứ Marc E. Knapper tại Hội nghị sơ kết Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam  giai đoạn 2010 - 2020.

ImageĐại sứ Marc E. Knapper phát biểu tại Hội nghị

Kính thưa Thủ tướng Phạm Minh Chính,

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Xin chào! Xin cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị sơ kết Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Tôi rất vinh dự được ở đây ngày hôm nay cùng với Ngài, các lãnh đạo của Việt Nam và nhiều đối tác quốc tế, vàphát biểu về quan hệ đối tác của chúng ta trong việc rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Khi chúng ta cùng nhìn lại việc thực hiện công việc khó khăn nhưng vô cùng quan trọng này suốt một thập kỷ vừa qua, tôi rất ấn tượng và cảm thấy mình nhỏ bé, và tôi tin rằng tất cả đồng nghiệp của tôi ở đây ngày hôm nay cũng cảm thấy như vậy. Chúng ta đã tiến được một chặng đường dài hướng tới mục tiêu chung là một nước Việt Nam nơi tất cả đàn ông, phụ nữ, và trẻ em có thể đi lại trên quê hương của mình một cách an toàn và sử dụng đất đai một cách hiệu quả vì lợi ích của gia đình và địa phương mình.

Mười năm vừa qua đã đem lại những minh chứng quan trọng cho những bước tiến này. Tại tỉnh miền Trung Quảng Trị, một trong những địa phương từ lâu vốn là ưu tiên trong các nỗ lực rà phá bom mìn chung của Hoa Kỳ và Việt Nam, không có một trường hợp tử vong hay thương tật nào do bom mìn gây ra trong vòng 4 năm trở lại đây. Điều mà trước đây là một mục tiêu xa vời nay đã trở thành hiện thực, khi các chương trình giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn chung của chúng ta dạy thanh thiếu niên Quảng Trị về những mối nguy hiểm của việc xử lý bom mìn chưa nổ, và khi các nỗ lực rà phá bom mìn của chúng ta loại bỏ những hiểm họa dễ nổ này khỏi lòng đất.

Chúng tôi cũng đã tăng cường hợp tác tại tỉnh Quảng Bình một cách đáng kể và đã đầu tư hơn 5 triệu đô la một năm vào các hoạt động giáo dục phòng tránh tai nạn và rà phá bom mìn ở đó.

Hoa Kỳ cũng tự hào hợp tác tại tỉnh Thừa Thiên Huế, sắp hoàn thành dự án rà phá bom mìn đồi A Bia, một trong những địa danh nơi diễn ra những trận chiến quyết liệt trong chiến tranh. Sắp tới sẽ có một tấm biển với hình ảnh hai lá quốc kỳ của Hoa Kỳ và Việt Nam cùng tung bay dưới chân đồi này và tự hào tuyên bố rằng đường dẫn lên đỉnh đồi đã sạch bóng bom mìn. Ở nơi chúng, hai kẻ thù từng giao chiến, nay hai đất nước lại chung tay cùng giải quyết hậu quả chiến tranh và xóa bỏ những gì còn xót lại. Thông qua hành động này, chúng ta vinh danh những người đã khuất của cả hai bên.

Trung tâm Hành động bom mìn Việt Nam (VNMAC) là đối tác của chúng ta trong việc giám sát, điều phối các dự án rà phá bom mìn. Tôi muốn cảm ơn VNMAC vì những nỗ lực không biết mệt mỏi của họ nhằm điều phối hoạt động của các nhà tài trợ quốc tế trong lĩnh vực hành động bom mìn. Chúng tôi vui mừng được cộng tác với VNMAC, cùng kề vai sát cánh với các chiến sĩ công binh để rà phá bom mìn và huấn luyện quân nhân theo Tiêu chuẩn Hành động Bom mìn Quốc tế. Mục tiêu chung của chúng ta là lập một đội ngũ quân nhân giàu kinh nghiệm đủ tiêu chuẩn huấn luyện những chiến sĩ khác đạt được trình độ cao nhất theo tiêu chuẩn rà phá bom mìn quốc tế. Chúng tôi cũng tự hào cùng xây lắp thao trường huấn luyện rò tìm bom mìn vật nổ cho VNMAC để đảm bảo các quân nhân của Trung tâm có một khu vực chuyên biệt để rèn tập các kỹ năng.

Hoa Kỳ là đối tác của các bạn trong nỗ lực rà phá bom mìn từ năm 1993, đóng góp hơn 166 triệu đô la Mỹ. Vậy mà, theo một số ước tính, gần một phần năm diện tích đất nước, rộng lớn hơn cả diện tích của Vương quốc Anh, vẫn còn ô nhiễm bom mìn. Chúng ta đã tiến rất xa, nhưng vẫn còn phải sánh bước cùng nhau khi chúng ta tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu một nước Việt Nam không còn bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật nổ. Hoa Kỳ tiếp tục giữ vững cam kết đối với công việc này.

Kể cả tại một quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề như Việt Nam, từ kinh nghiệm quốc tế của chúng tôi và từ những bài học chúng tôi học được ở Quảng Trị, chúng tôi biết rằng việc đạt được mục tiêu một Việt Nam không chịu ảnh hưởng bom mìn là khả thi. Từ kinh nghiệm tích lũy qua hàng thập kỷ, chúng tôi biết rằng việc này cần thời gian, tài lực, kiến thức chuyên gia và nỗ lực để xác định và làm sạch các vật liệu chưa nổ, và để giáo dục người dân địa phương về các hiểm họa bom mìn. Dù là ở Việt Nam, Lào hay xa hơn nữa là Colombia, có những phương thức thực hiện hiệu quả mà chúng ta đã đúc kết được và không có đường tắt. Việt Nam đang mở rộng cửa đón hợp tác quốc tế để áp dụng các bài học này. Và chúng tôi cảm ơn các bạn vì điều này.

Một trong những thế mạnh của chương trình rà phá bom mìn ở Việt Nam là các nhà tài trợ quốc tế hợp tác chặt chẽ với nhau, phối hợp cùng với Chính phủ Việt Nam. Ví dụ, với Vương quốc Anh, Hoa Kỳ đã đồng tài trợ các dự án xây dựng năng lực quốc gia và rà phá các khu vực ô nhiễm bom mìn ở Quảng Bình và Quảng Trị. Với Nhật Bản, chúng tôi hỗ trợ rà phá bom mìn ở Quảng Bình. Ai-len và Vương quốc Anh giúp chúng tôi xây dựng năng lực tại Trung tâm Hành động bom mìn Quảng Trị. Hàn Quốc hiện nay là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam trong việc xử lý ô nhiễm bom mìn ở các tỉnh miền Trung. Na Uy hỗ trợ các dự án ở Hà Nội và Thừa Thiên Huế. Khu vực tư nhân đang hướng dẫn nông dân cách sử dụng hiệu quả các diện tích đất đã được rà phá thông qua các dự án của chúng tôi. Sự phối hợp này thật phi thường, và thực sự là một phương thức thực thi tốt nhất để đảm bảo một chương trình hiệu quả.

Việt Nam không chỉ là một quốc gia đang xử lý vấn đề ô nhiễm bom mìn của riêng mình, mà còn là một quốc gia dẫn đầu trong nỗ lực toàn cầu loại bỏ bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Tôi biết chúng ta sẽ thấy năng lực mà chúng ta cùng nhau xây dựng ở Việt Nam được sử dụng ở những nơi khác trên thế giới để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng.

Tôi có mặt ở đây ngày hôm nay bởi Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam. Chúng tôi ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, và biết rằng cộng đồng quốc tế đóng một vai trò then chốt trong việc xây dựng một tương lại tốt đẹp hơn cho thế hệ tiếp theo, và vì lợi ích của tất cả chúng ta. Một tương lai mà người nông dân có thể canh tác mà không còn sợ hãi bom mìn. Một tương lai mà cha mẹ có thể để con chơi ngoài trời, không phải lo lắng con mình nhặt được bom mìn trên đường tới trường. Một tương lai mà Việt Nam có thể đạt được tiềm năng kinh tế to lớn của mình và đóng góp lớn cho hòa bình và an ninh toàn cầu.

Xin cảm ơn!

*
*
*
0 bình luận

Tin tức mới



Liên kết trang