Tuyên truyền giáo dục

Tiếp tục Đẩy mạnh công tác giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn tại Thừa Thiên Huế

(07/10/24 10:51)

Trong khuôn khổ Dự án Hành động mìn vì làng hoà bình Việt Nam - Hàn Quốc (KVPVP), sáng 7/10, tại Thừa Thiên Huế, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn đối với cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện, xã (phường) và cộng tác viên, tuyên truyền viên tuyến xã trên địa bàn.

Image

Quang cảnh Hội nghị

Dự và chỉ đạo Hội nghị có Đại tá Nghiêm Xuân Long, Phó Tổng Giám đốc VNMAC, bà Nguyễn Thanh Vân, đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam, cùng các đại biểu lãnh đạo đại diện cho Bộ Chỉ huy Quân sự, Sở GD&ĐT, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cùng 39 đại biểu đại diện cho các cơ quan chức năng của tỉnh.

Image

Đại tá Nghiêm Xuân Long, Phó Tổng Giám đốc VNMAC, Phó Ban Quản lý Dự án KVPVP phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Nghiêm Xuân Long, Phó Tổng Giám đốc VNMAC, Phó Ban Quản lý Dự án KVPVP cho biết, Dự án KVPVP do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho Việt Nam thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); VNMAC làm chủ dự án với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. Dự án được triển khai từ năm 2023 - 2026 tại ba tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế; tập trung vào 4 trong 5 trụ cột của hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, bao gồm: Điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn; Hỗ trợ nạn nhân; Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn; Tăng cường năng lực quản lý quốc gia trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Trong đó, hướng đến giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm bom mìn tại các cộng đồng bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ nhằm tạo dựng môi trường an toàn; đồng thời đưa ra các giải pháp xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội và nguồn sinh kế bền vững cho người dân.

Image

Đại tá Trần Hữu Thành, Phó Phòng Kế hoạch Điều phối VNMAC báo cáo Kế hoạch tại Hội Nghị

Sau phần khai mạc và giới thiệu mục tiêu triển khai các hoạt động giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ nay đến khi kết thúc dự án của Ban tổ chức, các đại biểu tham dự được chia thành hai nhóm (nhóm truyền thông cho cộng đồng; nhóm truyền thông cho các trường học) để thảo luận, lựa chọn các giải pháp, xây dựng mạng lưới giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho cộng đồng dân cư và các em học sinh bậc tiểu học (TH), Trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn 18 xã thuộc Huyện A Lưới.

Image

Cụ thể, đối với nhóm đối tượng cộng đồng sẽ tập trung tổ chức sự kiện tại khu dân dư, chiếu các video clip về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, kết hợp mời các nhân chứng là nạn nhân bị ảnh hưởng của bom mìn chia sẻ về cuộc sống trước và sau khi gặp phải tai nạn bom mìn, đồng thời xây dựng và biểu diễn các tiểu phẩm sân khấu hóa, truyền thông trên các hội nhóm thông qua mạng xã hội. Đối với nhóm đối tượng là các em học sinh TH và THCS sẽ tổ chức cuộc thi vẽ tranh, cuộc thi trực tuyến về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn.

Image

Các đại biểu về dự Hội nghị chụp hình lưu niệm

Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh nằm ở khu vực miền Trung có mật độ ô nhiễm bom mìn cao, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 141/141 xã (phường) thuộc 9/9 huyện (thành phố, thị xã) bị ô nhiễm bom mìn vật nổ; diện tích đất tự nhiên hơn 5.000 km2, trong đó diện tích đất ô nhiễm bom mìn vật nổ khoảng 172.000 ha; chiếm hơn 34% diện tích.

Trần Thành

Phòng Kế hoạch Điều phối, VNMAC

*
*
*
0 bình luận

Tin tức mới



Liên kết trang