Bài viết
"Đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh"
(03/01/20 14:51)
Những năm qua, công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh đã được triển khai quyết liệt và thu được nhiều kết quả quan trọng, song mới đáp ứng được một phần so với hậu quả nặng nề mà chiến tranh để lại. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động có tính nhân đạo cao cả, nhân văn sâu sắc này.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu hậu quả nặng nề về ô nhiễm bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh1. Nhận thức sâu sắc về hậu quả do bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh gây ra đối với môi trường, sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân, điều kiện phát triển kinh tề - xã hội,... ngay sau ngày đất nước thống nhất, Đảng, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, lâu dài. Theo đó, công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã tích cực vào cuộc, quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình hành động quốc gia, kế hoạch, dự án mang tính nhân đạo sâu sắc này. Mặc dù điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi năm Nhà nước đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học. Đồng thời, tích cực kêu gọi, huy động sự chung tay của cả cộng đồng trong nước và quốc tế.
Với trách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực không mệt mỏi của các cấp, ngành, địa phương, toàn xã hội và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chính phủ, tổ chức quốc tế, những năm qua, công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh đã đạt được kết quả quan trọng. Chúng ta đã thu gom, xử lý hàng triệu bom mìn, vật nổ các loại, hàng trăm tấn chất độc, vũ khí, phương tiện chứa chất độc, hàng trăm nghìn mét khối đất nhiễm chất độc da cam/dioxin; giải phóng, làm “sạch” hàng trăm nghìn héc-ta đất, góp phần tái tạo quỹ đất, bảo đảm môi trường, điều kiện an toàn cho sản xuất, đời sống của nhân dân, giảm thiểu tai nạn, thương tích do bom mìn, vật nổ gây ra và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, v.v.
Mặc dù đã được triển khai, tổ chức thực hiện trên nhiều địa bàn, nhưng kết quả đạt được còn thấp so với quy mô và yêu cầu đặt ra. Việc giải quyết chế độ, chính sách, hỗ trợ nạn nhân bom mìn, chất độc da cam/dioxin tái hòa nhập cộng đồng còn gặp khó khăn cả về cơ chế, chính sách và nguồn lực, v.v. Nguyên nhân của vấn đề này chủ yếu là do công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ cùng với những hạn chế, bất cập về nguồn lực và công nghệ xử lý; trong khi đó, phạm vi, quy mô, khối lượng ô nhiễm bom mìn, vật nổ và chất độc hóa học/dioxin là rất lớn, phức tạp.
Trước tình hình trên, để đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ và chất độc hóa học sau chiến tranh.
Theo đó, Chính phủ, trước hết là Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền về công tác quan trọng này. Trong đó, tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ đối với công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh, trọng tâm là Chỉ thị 43-CT/TW, ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”; Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; Nghị định 18/2019/NĐ-CP, ngày 01-02-2019 của Chính phủ “Về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh”; Chỉ thị 05/CT-BQP của Bộ Quốc phòng “Về việc tổ chức thực hiện các dự án, chương trình khắc phục, xử lý chất độc hóa học/dioxin trong Quân đội”, v.v.
Tiếp tục tuyên truyền về tác hại, hậu quả, phổ biến kiến thức, biện pháp phòng tránh tai nạn, thương tích do bom mìn, vật nổ, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh gây ra; kết quả thực hiện các dự án, nhiệm vụ khắc phục hậu quả, những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, cũng như những khó khăn, thách thức, yêu cầu mới đặt ra, v.v. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, tạo sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân về nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của chế độ ta. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại về công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền với đấu tranh đòi công lý bằng các biện pháp phù hợp để các chính phủ, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về những hậu quả vô cùng nặng nề và quan điểm, quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta, cũng như khó khăn, thách thức của Việt Nam trong giải quyết vấn đề này để tạo sự ủng hộ, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp, làm cơ sở để đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ và chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh.
Trên cơ sở quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính khả thi cao. Trước mắt, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam khẩn trương chỉ đạo triển khai xây dựng, trình Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 18/2019/NĐ-CP, ngày 01-02-2019 của Chính phủ về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh; tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản về chương trình hành động, kế hoạch quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường liên quan đến xử lý triệt để chất độc hóa học/dioxin; sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến giải quyết chế độ, chính sách, nhằm bảo đảm quyền lợi cho nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học.
Để khắc phục những khó khăn, bất cập, đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống chính sách, cơ chế quản lý hoạt động rà phá bom mìn, xử lý chất độc hóa học; cơ chế vận động tài trợ, phối hợp điều hành cấp quốc gia; cơ chế huy động, quản lý, điều phối các nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học, v.v. Thực tế thời gian qua, nhiều dự án, nhiệm vụ rà phá, xử lý tiến hành chậm, hiệu quả không cao do thông tin không đầy đủ, việc phối hợp giữa các đơn vị, địa phương chưa chặt chẽ dẫn đến đầu tư chồng chéo. Bởi vậy, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, quy chế thu thập, cập nhật và cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu quốc gia về ô nhiễm bom mìn, chất độc hóa học, làm cơ sở xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch rà phá, xử lý và hoàn thiện cơ chế phối hợp chỉ đạo, hoạt động giữa các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, các địa phương, đơn vị trực tiếp thực hiện công tác này, đảm bảo sự phối, kết hợp chặt chẽ hơn, phát huy cao nhất chức năng của từng bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia.
Ba là, tập trung xây dựng lực lượng, tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ và các nguồn lực khác, nhằm nâng cao khả năng xử lý bom, mìn và chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh.
Đây là vấn đề có tính chất quyết định đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công tác xử lý, khắc phục hậu quả bom, mìn, chất độc hóa học tồn lưu trong thời gian tới. Theo đó, tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức, đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao năng lực của các lực lượng rà phá, xử lý bom mìn, chất độc hóa học. Trước hết, tập trung xây dựng lực lượng Công binh, Hóa học bảo đảm đủ khả năng làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ này trên phạm vi cả nước cũng như trong khu vực ASEAN và sẵn sàng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; tăng cường xã hội hóa, xây dựng lực lượng bán chuyên trách. Các binh chủng: Công binh, Hóa học và các quân khu, quân đoàn tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng, diễn tập nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, kỹ năng chuyên môn, làm chủ công nghệ mới về xử lý ô nhiễm,... cho lực lượng làm nhiệm vụ này. Bộ Quốc phòng tiếp tục đề xuất Chính phủ huy động các nguồn lực (nhân lực, vật lực, khoa học - công nghệ) đầu tư mua sắm, trang bị, phương tiện chuyên dùng hiện đại, nhận chuyển giao công nghệ, v.v. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào thiết kế, chế tạo và khai thác, sử dụng các loại trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu khắc phục hậu quả bom mìn, xử lý chất độc hóa học tồn lưu cả trước mắt và lâu dài.
Bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn và xử lý chất độc da cam/dioxin.
Do lượng bom mìn sót lại và diện tích ô nhiễm rất lớn, trên diện rộng, đa dạng, phức tạp, nên theo tính toán, bằng nguồn lực trong nước và tiến độ rà phá, xử lý như hiện nay, thì đến năm 2050 mới giải phóng được 800.000 ha đất, tương đương 15,22% tổng diện tích bị ô nhiễm. Bởi vậy, cùng với phát huy nội lực, chúng ta cần tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, mở rộng hợp tác, huy động các nguồn ngoại lực, kết hợp nội lực với ngoại lực trong quá trình thực hiện. Thời gian qua, chúng ta đã chủ động tiếp xúc, trao đổi, vận động tài trợ đối với một số nước, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh và đạt được kết quả tốt2, thiết thực nâng cao tốc độ xử lý, làm sạch diện tích đất bị ảnh hưởng của bom mìn, chất độc hóa học, cũng như chăm sóc, trợ giúp, phục hồi chức năng, giúp đỡ tạo sinh kế cho các nạn nhân. Đáng chú ý, vừa qua chúng ta đã phối hợp với phía Hoa Kỳ và một số tổ chức quốc tế hoàn thành việc xử lý ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin ở sân bay Đà Nẵng và tiếp tục triển khai thực hiện xử lý chất độc hóa học tại sân bay Biên Hòa, Phù Cát và một số khu vực khác, như: A So, A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế); Sa Thầy, Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), v.v. Phát huy những kết quả đó, thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan cần chủ động xây dựng kế hoạch tiếp cận làm việc với các cơ quan của Liên hợp quốc, các quốc gia, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong hợp tác, hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học; tiếp tục đẩy mạnh vận động các nước, nhất là vận động, đấu tranh Chính phủ Mỹ hợp tác, hỗ trợ giải quyết hậu quả bom, mìn, chất độc hóa học. Để đạt hiệu quả, cần thực hiện đa dạng hình thức, như: trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực, tài trợ kinh phí, v.v. Mặt khác, các cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia, nhà tài trợ tiềm năng trực tiếp tham gia các chương trình hành động quốc gia, góp phần đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.
Với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, cùng sự nỗ lực phấn đấu của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, sự hỗ trợ tích cực của các nước, các tổ chức quốc tế, chúng ta tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ, xử lý chất độc hóa học còn tồn lưu, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế và mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Uỷ viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 701