Bài viết

Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình 504 giai đoạn 2010-2020 và định hướng nhiệm vụ 2021-2025

(08/06/22 15:29)

Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc nội dung báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và định hướng nhiệm vụ 2021-2025 do đồng chí Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng cơ quan thường trực BCĐ 701 trình bày tại Hội nghị sơ kết Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam (CT504) giai đoạn 2010 - 2020.

Image

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng cơ quan thường trực BCĐ 701 tại Hội nghị

Kính thưa đồng chí Phạm Minh Chính - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam,

Kính thưa đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam,

Kính thưa các đồng chí đại diện Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, địa phương,

Kính thưa các Ngài Đại sứ, các vị khách quý trong nước và quốc tế,

10 năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, giai đoạn 2010 - 2020, Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã điều phối các hoạt động; phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế triển khai toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam và đạt được những kết quả quan trọng:

Một là, đã xây dựng Chương trình hành động quốc gia, hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.

Với định hướng đưa nước ta phát triển ổn định và bền vững, mang lại môi trường an toàn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, an toàn tính mạng cho nhân dân, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững; ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (gọi tắt là Chương trình 504) với các mục tiêu, giải pháp và giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương.

Để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình 504, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), Quỹ, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Nhóm Đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn (MAPG), đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chi tiết kế hoạch các giai đoạn để thực hiện Chương trình 504.

Từ thực tế của quá trình thực hiện, Bộ Quốc phòng với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã tham mưu với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở triển khai công tác khắc phục hậu quả chiến tranh một cách đồng bộ, phù hợp với các quy định và tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2019/NĐ-CP về Quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam; Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì soạn thảo, ban hành 09 Thông tư ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, quy trình hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; các Bộ, ngành đã tham mưu, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, chế độ hỗ trợ người khuyết tật, chính sách y tế đối với nạn nhân bom mìn, quy định về quản lý vật liệu nổ công nghiệp… và tham gia các công ước quốc tế có liên quan.

Hai là, đẩy mạnh việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn và hỗ trợ nạn nhân

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, với sự tham gia tích cực của Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam bằng nhiều hoạt động thiết thực, với các hình thức đa dạng, phong phú, như tổ chức thông cáo báo chí, xây dựng và trình chiếu phim, triển lãm ảnh; tổ chức các cuộc mít tinh, các cuộc thi, hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới nâng cao nhận thức về hiểm họa bom mìn 4/4 hằng năm... đã tiếp cận và thu hút hàng triệu lượt người tham gia. Kết quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục được thể hiện qua số vụ tai nạn bom mìn ngày càng giảm rõ rệt. Theo điều tra, trước năm 2010 thì số nạn nhân bình quân hàng năm là gần 400 người, trong đó gần 200 người bị chết; tuy nhiên, những năm gần đây, số nạn nhân bom mìn là dưới 50 người, có nhiều địa phương trong nhiều năm nay không xảy ra tai nạn bom mìn, đặc biệt Quảng Trị là tỉnh có mật độ bom mìn cao nhất cả nước đã không có tai nạn bom mìn trong năm 2019 và năm 2020.

Tháng 10 năm 2014, Việt Nam đã phê duyệt Công ước người khuyết tật và ban hành các khuôn khổ pháp lý về người khuyết tật, trong đó có trợ giúp nạn nhân bom mìn, góp phần đảm bảo cho nạn nhân bom mìn có quyền bình đẳng tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, tạo công ăn, việc làm; tiếp cận các hoạt động văn hóa - xã hội, công trình công cộng, các phương tiện giao thông, công nghệ thông tin phù hợp với từng dạng tật và mức độ khuyết tật, không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của các nạn nhân bom mìn.

Theo chức năng, nhiệm vụ, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện xác nhận mức độ khuyết tật cho nạn nhân bom mìn; đến nay, đã có 100% các xã, phường, thị trấn trong cả nước đã tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ,bao gồm nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học). Đến hết năm 2019, đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật, các đối tượng đã được trợ cấp hàng tháng, tặng nhà tình nghĩa, phương tiện nghe nhìn, được học nghề, được hỗ trợ sinh kế,... Trong đó, đã hỗ trợ hơn 5.860 trường hợp nạn nhân bom mìn và các đối tượng bị ảnh hưởng khác với số kinh phí hơn 50 tỷ đồng. Đây là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cùng chung tay khắc phục hậu quả bom mìn. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế như UNDP, UNICEF, DDG, IC, Peace Tree, ICRC…đã tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng và phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.

Ba là, thường xuyên tổ chức các hoạt động điều tra, khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ

Theo điều tra khảo sát bom mìn, trước khi ban hành Chương trình hành động bom mìn quốc gia thì mật độ ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam là 6,1 triệu ha đất đai, chiếm 18,82% diện tích đất đai của cả nước.

Giai đoạn 2010 - 2020, toàn quốc đã triển khai khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ được 485.000 ha (trung bình đạt gần 50.000 ha, tăng 35% so với giai đoạn trước) với ngân sách 12.614 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trong nước 10.417 tỷ đồng, ngân sách viện trợ không hoàn lại trực tiếp của nước ngoài là 2.197 tỷ đồng (tương đương 95,5 triệu USD). Như vậy, tính đến nay, diện tích ô nhiễm bom mìn đã giảm xuống còn 5,6 triệu ha đất đai, tương đương 17,71% diện tích.

Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ Quốc phòng - Cơ quan thường trực đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức điều tra, khảo sát, lập Bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc và tổ chức công bố số liệu vào tháng 4/2018, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.

Tại tỉnh Hà Giang, các dự án rà phá bom mìn, giải phóng đất đai phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc được tổ chức triển khai đã góp phần mang lại lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực cho địa phương, đồng thời thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, sự tri ân của toàn xã hội đối với các Anh hùng liệt sĩ, những người có công trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, dân tộc.

Đối với các dự án ODA không hoàn lại của chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, gồm Chính phủ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Úc, Na Uy,... các tổ chức quốc tế MAG, NPA, Golden West, SODI, Peace Tree,… đã đem lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống của người dân và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bốn là, không ngừng nâng cao năng lực quản lý điều hành và nghiên cứu phát triển

Ban Chỉ đạo 504 đã thường xuyên triển khai các khóa đào tạo quản lý cấp cao, tập huấn giáo viên, nhân viên xử lý vật liệu nổ và phản ứng viên y tế ban đầu; hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng quốc gia trong điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn theo Tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế (IMAS); hình thành và đưa Trung tâm cơ sở dữ liệu bom mìn quốc gia đi vào hoạt động và thường xuyên cập nhật hệ thống công nghệ quản lý toàn cầu.

Trên cơ sở định hướng nghiên cứu phát triển của Chương trình 504, Bộ Quốc phòng đã triển khai nhiều chương trình, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, như Chương trình “Nghiên cứu phát triển hệ thống trang thiết bị, phương tiện dò tìm, xử lý và xây dựng hệ thống thông tin quản lý ô nhiễm bom mìn vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam” và đưa kết quả của các nhiệm vụ đã hoàn thành vào ứng dụng thực tế, phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn và quản lý dữ liệu thông tin.

Năm là, thường xuyên chủ động, làm tốt công tác phối hợp hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn

Dưới sự chỉ đạo và điều hành sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành và các địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, trực tiếp tham gia xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, các kế hoạch trung hạn và dài hạn, thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Phối hợp và thực hiện tốt việc triển khai thực hiện các dự án điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nguy cơ bom mìn tại các địa phương, đảm bảo an ninh, an toàn cho các hoạt động xử lý bom đạn khẩn cấp do người dân phát hiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động của người nước ngoài tại các địa phương.

Hội Hỗ trợ nạn nhân bom mìn, Quỹ Hỗ trợ nạn nhân bom mìn Việt Nam đã rất tích cực, chủ động khai thác các nguồn tài trợ, tiếp cận và hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho các đối tượng đảm bảo tiết kiệm, đúng đối tượng, mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc.

Kính thưa Quý vị đại biểu,

Kính thưa Hội nghị!

Giai đoạn 2010 - 2020, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam và Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, địa phương, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng, đó là xây dựng được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất, làm cơ sở chắc chắn cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Đã khảo sát, rà phá được gần 500.000 ha đất; công bố Bản đồ ô nhiễm bom mìn toàn quốc; hỗ trợ hơn 5.000 nạn nhân và các đối tượng liên quan; tổ chức giáo dục nguy cơ cho hơn 3 triệu người dân và học sinh. Qua 10 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia, chúng ta đã huy động gần 13 nghìn tỷ đồng, trong đó huy động từ nước ngoài gần 100 triệu USD. Như vậy, các mục tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch của Chương trình đã cơ bản hoàn thành, góp một phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo đảm an toàn và ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Với thành tích đã đạt được, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 10 tập thể và 13 cá nhân, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho 14 tập thể và 14 cá nhân, trong đó có 04 tổ chức quốc tế.

Trân trọng đề nghị Hội nghị nhiệt liệt chúc mừng những thành tích mà chúng ta đã đạt được trong 10 năm qua.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo 701,

Kính thưa Quý vị đại biểu.

Với mục tiêu huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng, bảo đảm đúng pháp luật Việt Nam và các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 đang tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới, với quyết tâm chính trị cao hơn của cả hệ thống chính trị trong nước cũng như sự giúp đỡ, hỗ trợ của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế; trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, Tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức cơ quan khắc phục hậu quả bom mìn và hành lang pháp lý. Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tổ chức cơ quan khắc phục hậu quả bom mìn từ Trung ương đến địa phương nhằm phát huy tối đa khả năng, huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế để thực hiện thành công Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.

Nghiên cứu đề xuất xây dựng và ban hành Pháp lệnh về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, làm cơ sở cho công tác quản lý, vận động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung khắc phục hậu quả bom mìn nói riêng. Tập trung xây dựng Chiến lược quốc gia về giáo dục nguy cơ phòng tránh tai nạn bom mìn, xây dựng Kế hoạch thực hiện từng giai đoạn đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong phạm vi toàn quốc.

Nghiên cứu tổng kết Chương trình 504 giai đoạn 2010-2025, đề xuất xây dựng Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2025 - 2045, định hướng đến 2050.

Thứ hai, Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, công tác vận động tài trợ, chính sách hỗ trợ nguồn vốn ODA, thúc đẩy hoạt động của Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam nhằm chủ động vận động tài trợ các nguồn lực quốc tế. Mở rộng quan hệ với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, hỗ trợ các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn có mong muốn tham gia hoạt động ở Việt Nam theo đúng các quy định của pháp luật.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển, hoàn thiện hệ thống dữ liệu bom mìn quốc gia. Nghiên cứu xây dựng Chương trình đào tạo cán bộ quản lý, nhân viên điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn theo tiêu chuẩn Việt Nam, phù hợp với tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế; thường xuyên tổ chức đào tạo bổ sung nhân lực trong lĩnh vực điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn, giáo dục nguy cơ và hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Chủ động, tích cực triển khai công tác nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, chế tạo trang thiết bị phục vụ rà phá và xử lý bom mìn; làm tốt việc phối hợp thu thập thông tin, dữ liệu đảm bảo chính xác và toàn diện, thống nhất để hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu quốc gia về bom mìn ở Việt Nam.

Thứ tư, Chỉ đạo quyết liệt công tác điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn; triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án rà phá bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an toàn cho nhân dân với khối lượng đạt khoảng 500.000  hec-ta. Tăng tốc độ rà phá bom mìn đạt khoảng 75.000 ha/ năm (tăng khoảng 50% so với trước đây); chú trọng thực hiện ở những vùng, khu vực trọng điểm, những vùng ô nhiễm nặng, có nguy cơ mất an toàn cao... để đảm bảo tốt nhất cho hoạt động, cuộc sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Thứ năm, Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn và hỗ trợ nạn nhân. Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về giáo dục nguy cơ bom mìn,các hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân, phấn đấu đến năm 2025 không còn xảy ra các vụ tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra trên phạm vi toàn quốc. Nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung chính sách, phương pháp, hình thức hỗ trợ đối với nạn nhân bom mìn sát với thực tế yêu cầu; đầu tư, triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn, ưu tiên tại các vùng bị ô nhiễm nặng; tổ chức cứu chữa kịp thời nạn nhân các vụ tai nạn do bom mìn gây ra, đồng thời chủ động hỗ trợ sinh kế cho người dân đáp ứng yêu cầu ổn định và phát triển bền vững.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ,

Kính thưa Quý vị đại biểu, khách quý!

Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là nhiệm vụ hết sức khó khăn và sẽ còn lâu dài. Dưới sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp, sau sát, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 sẽ tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2021- 2025 và những năm tiếp theo.

Xin kính chúc đồng chí Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, địa phương, các Ngài Đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế và Quý vị đại biểu, khách quý năm mới luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 

 

 

 

 

 

 

 

*
*
*
0 bình luận

Tin tức mới



Liên kết trang