VNMAC

Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam - VNMAC tổ chức gặp mặt các cơ quan, tổ chức quốc tế chào mừng kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Trung tâm (4/3/2014 – 4/3/2024).

(28/02/24 16:07)

Sáng 28/2, tại Hà Nội, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), đã tổ chức gặp mặt các cơ quan, tổ chức quốc tế chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Trung tâm (4/3/2014 – 4/3/2024). Thiếu tướng Trần Trung Hòa, Tư lệnh Binh chủng Công binh, Tổng Giám đốc VNMAC chủ trì buổi gặp mặt.

Image

Các đại biểu dự buổi gặp mặt

Dự buổi gặp có đại diện các bộ, ngành của Việt Nam: Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ban điều phối viện trợ nhân dân, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn.

Đại diện Đại sứ quán và Cơ quan Tùy viên quốc phòng các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Na-uy, Nga, A-déc-bai-dan, Campuchia và Lào.

Đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực hành động bom mìn nhân đạo tại Việt Nam: KOICA, UNDP, JICA, NPA, CRS, MAG, Peace Trees, Golden West.

Image

Quang cảnh buổi lễ

Khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung và khắc phục hậu quả bom mìn nói riêng là một trong những nhiệm vụ vô cùng khó khăn và phức tạp, đòi hỏi rất nhiều thời gian, nguồn lực về kinh tế, con người, khoa học kỹ thuật.

Trong hành trình gần 50 năm khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, kể từ khi đất nước hòa bình, thống nhất, bên cạnh nguồn lực chính của Việt Nam, sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế là rất quan trọng và cần thiết.

Image

Các đại biểu quốc tế dự buổi gặp mặt.

Những năm qua, VNMAC đã tích cực, chủ động trong việc tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa các hoạt động như đưa vào chương trình làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong các chuyến thăm, làm việc chính thức cấp nhà nước với các quốc gia; Tổ chức các đoàn công tác của Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia làm việc với đại diện Chính phủ một số quốc gia như Hoa Kỳ, Anh, Na Uy, Thụy Sỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Niu-Di-Lân… để trao đổi, vận động tài trợ quốc tế cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam. Trên cơ sở đó đã ký kết được nhiều Bản ghi nhớ hợp tác với Chính phủ các nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia… Tổ chức gặp gỡ, làm việc với nhiều đoàn khách quốc tế của các nước đến thăm và làm việc tại Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Canada, Hà Lan, Zăm-bi-a, Hungary, Pháp, Na Uy, Anh, Thái Lan, Nga, Azerbaijan để trao đổi về hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.

Image

Các đại biểu dự buổi gặp mặt.

Đàm phán và tổ chức ký kết nhiều biên bản hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ như MAG, NPA, Peace Trees Việt Nam, CRS, Golden West, GICHD, IC về công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam. Qua đó đã vận động tài trợ và tổ chức triển khai nhiều dự án nâng cao năng lực cho VNMAC về quản lý chương trình hành động quốc gia, quản lý thông tin, quản lý chất lượng, xử lý bom mìn theo tiêu chuẩn quốc tế và cấp cứu y tế ban đầu, đồng thời cũng điều phối tổ chức nhiều dự án về điều tra khảo sát rà phá bom mìn, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân và hỗ trợ nạn nhân bom mìn, triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu phát triển để nghiên cứu chế tạo các thiết bị phục vụ dò tìm và xử bom đạn sau chiến tranh.

Tổ chức hoạt động của Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (MAPG), Hội và Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, tham gia vào diễn đàn của Nhóm chuyên gia hành động mìn nhân đạo trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+); tham gia tổ chức các khóa tập huấn cán bộ quản lý cấp cấp cao về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh của khu vực do đại học Jame Madison tổ chức với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Image

Ông Nghiêm Xuân Long Phó Tổng Giám đốc VNMAC phát biểu tại buổi lễ.

Tham gia tích cực các hoạt động tuyên truyền của Liên Hợp quốc về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh nhân ngày 4 tháng 4 hàng năm và Hội nghị Giám đốc quốc gia và cố vấn Liên Hợp quốc hàng năm để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, phát triển đối tác được Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam vào công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh của thế giới.

Tại buổi gặp mặt, ông Lê Quang Hợp, Phó Tổng Giám đốc VNMAC đã bày tỏ cám ơn sâu sắc đến Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế đã sát cánh cùng VNMAC trong 10 năm qua, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam về con người, thiết bị máy móc kỹ thuật và kinh tế trong nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh thông qua nhiều dự án đã được các bên ký kết.

Image

Ông Lê Quang Hợp, Phó Tổng Giám đốc VNMAC phát biểu tại buổi lễ.

Ông Lê Quang Hợp cũng bày tỏ tin tưởng, với sự quyết tâm của Việt Nam cùng với sự đồng hành của chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa trong thời gian tới.

Image

Bà Amy Patel Tham tán Chính trị, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, các tổ chức KOICA, NPA phát biểu chúc mừng nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam và cam kết tiếp tục đồng hành cùng VNMAC trong những năm tiếp theo, hướng tới một Việt Nam không còn bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại.

Image

 

Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 504/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (gọi tắt là Chương trình 504), trong đó đã đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để đẩy nhanh, tiến tới khắc phục hoàn toàn hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.
Để điều hành, phối hợp triển khai các nhiệm vụ của Chương trình 504, ngày 04/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg về việc thành lập Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (gọi tắt là VNMAC), đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giao Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý. Kể từ đây, ngày 04/3 được lấy là Ngày thành lập của VNMAC.
Nhiệm vụ chính của Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam là điều phối thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình 504. Trên chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển, VNMAC đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, phát huy được vai trò của Cơ quan điều phối cấp quốc gia về hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam, góp phần tích cực vào hiệu quả của Chương trình 504.
Sau 10 năm xây dựng và phát triển VNMAC đã nhiều lần vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó tiêu biểu là Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Ba năm 2020 và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Ba năm 2024.

 

Đối với các dự án ODA không hoàn lại của chính phủ các nước gồm Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ 02 dự án RPBM tại Quảng Trị và Hà Tĩnh đã khảo sát, rà phá được được 3.240 ha, với ngân sách hơn 5,5 triệu USD, Chính phủ Hàn Quốc tài trợ dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định với tổng giá trị tương đương 20 triệu USD, năm 2024 Hàn Quốc tiếp tục tài trợ cho Việt Nam xây dựng Làng hòa bình tại ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định với tổng kinh phí tương đương 25 triệu USD.
Các dự án khảo sát kỹ thuật, rà phá bom mìn do các tổ chức quốc tế (MAG, NPA, Golden West, SODI, Peace Tree…) thực hiện tại các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam với tổng ngân sách hơn 1.610 tỷ (tương đương 70 triệu USD).
Hàng năm VNMAC đã phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội triển khai các khóa tập huấn nhân viên xử lý vật liệu nổ và phản ứng viên y tế ban đầu theo Tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế IMAS cấp độ I, II, III cho các lực lượng RPBM. Tiếp nhận thiết bị và tổ chức huấn luyện nâng cao cho thợ lặn phục vụ RPBM dưới biển, huấn luyện cứu thương và huấn luyện công tác nổ do Bộ Quốc phòng Mỹ chuyển giao. Đưa trung tâm cơ sở dữ liệu bom mìn quốc gia do Hoa Kỳ tài trợ đi vào hoạt động.

 

*
*
*
0 bình luận

Tin tức mới



Liên kết trang