Hợp tác quốc tế
Tổng kết hoạt động tuyên truyền tại Đà Nẵng
(14/03/23 17:07)
Ngày 12/3, TP Đà Nẵng, Trung tâm Hành động Bom mìn quốc gia Việt Nam, Tổ chức CRS Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết Hoạt động Truyền thông giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ.
Tham dự hội nghị có bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh; đại diện Tổ chức Cứu trợ Nhân đạo Quốc tế Catholic Relief Services (CRS); Trung tâm Hành động Bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC); UBND TP Đà Nẵng; Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế; đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh TP Đà Nẵng.
Hội nghị nhằm tổng kết, công bố giải thưởng Cuộc thi trực tuyến: “Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại” và Cuộc thi “Đại sứ học đường trong tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại” cho cán bộ, giáo viên và học sinh tiểu học, THCS tại TP Đà Nẵng.
Hai cuộc thi là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ, góp phần hướng tới một Việt Nam không còn chịu ảnh hưởng bởi bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Cuộc thi trực tuyến “Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại” có 3.722 giáo viên; 41.758 học sinh tham gia với 46 giáo viên, học sinh cấp tiểu học, THCS được trao giải.
Cuộc thi “Đại sứ học đường trong tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại” đã được tổ chức tại 58 trường THCS trên địa bàn TP Đà Nẵng; 41 giải được trao cho các tác phẩm có chất lượng.
Cô giáo Nguyễn Thị Như Quỳnh, Trường Tiểu học Hồng Quang, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, người đoạt giải Nhất Cuộc thi trực tuyến “Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại” cho giáo viên và học sinh TH và THCS tại TP Đà Nẵng, cho rằng, mặc dù chiến tranh đã đi qua gần 50 năm, nhưng người dân và trẻ em ở các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên vẫn đang phải chịu những hậu quả nặng nề do các vụ nổ của bom mìn, đầu đạn còn sót lại trong lòng đất. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bởi sự tò mò, hiếu kỳ khi tìm thấy bom mìn, vật nổ và coi đó như đồ chơi mới. Hơn thế, các công việc gia đình hàng ngày (chăn trâu, cắt cỏ), việc chạy nhảy, chơi đùa ở những nơi còn nhiều bom mìn đã đặt trẻ em vào các nguy cơ thương vong rất cao. Do đó, việc phòng tránh bom mìn cho trẻ em là hoạt động xã hội, nhân đạo, mang ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đối với thế hệ trẻ. Đây là công việc cần sự quan tâm của từng gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Cháu Trương Bảo Châu, học sinh lớp 3/7, Trường Tiểu học Dũng sĩ Thanh Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, đoạt giải Ba cuộc thi cũng bôc bạch: "Để không gặp nguy hiểm do bom mìn, vật nổ, con thường vào mạng internet tìm hiểu tác hại, cách phòng tránh nó khi vui chơi, đi dã ngoại... Con cũng vận động các bạn phải biết nghe lời bố mẹ, thầy cô tránh xa những nơi có thể có bom mìn, vật nổ, để bản thân được an toàn..."
Tại hội nghị, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, tích cực đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ môi trường sống cho người dân cũng như bảo vệ sự an toàn cho trẻ em trước mối đe dọa của bom mìn, vật nổ. Đây cũng là những hoạt động thiết thực nằm trong khuôn khổ Dự án Hướng tới phòng tránh tai nạn bom mìn bền vững giai đoạn 2020-2024, do tổ chức CRS phối hợp với VNMAC, Sở GD&ĐT các tỉnh khu vực miền Trung thực hiện, dưới sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Đây cũng là lời kêu cộng đồng cả nước nhằm chung tay xây dựng môi trường sống an toàn cho người dân và trẻ em.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt ngài Marc Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh trân trọng cảm ơn VNMAC, CRS tại Việt Nam cũng như các địa phương đã tích cực hỗ trợ Hoa Kỳ triển khai các chương trình hành động giúp phòng tránh bom mìn, vật nổ tại Việt Nam.
Một số hình ảnh tại Lễ tổng kết