Hợp tác quốc tế

Tổng Giám đốc VNMAC tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam

(07/06/21 11:05)

Ngày 27/5/2021 tại trụ sở VNMAC, đồng chí Thiếu tướng Trần Trung Hòa Tổng giám đốc VNMAC đã có buổi tiếp và làm việc với Ngài Anar Imanov Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam. Dự buổi tiếp và làm việc có đồng chí Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc Phó Tổng Giám đốc VNMAC cùng các cơ quan liên quan.

Image

Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau điểm lại lịch sử mối quan hệ hữu nghị, thân thiết giữa hai quốc gia do các nhà lãnh đạo của hai nước xây dựng và vun đắp. Phía Việt Nam gửi lời cảm ơn sâu sắc vì sự hỗ trợ to lớn và quý báu nước bạn đã dành cho Việt Nam trong công cuộc xây dựng, tái thiết và phát triển đất nước kể từ sau khi giành độc lập. Đặc biệt, trong lĩnh vực quốc phòng, nhiều cán bộ cấp cao của Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân Việt Nam đã từng được đào tạo tại nước bạn. Cả hai bên đều nhất trí rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia đã và đang có nhiều cơ hội để mở rộng và phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Ngài Đại sứ chia sẻ mục đích chuyến thăm và làm việc tại VNMAC là nhằm tìm hiểu tính khả thi của việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa VNMAC và Cơ quan Hành động bom mìn của Cộng hòa A-déc-bai-dan (ANAMA). Liên quan đến vấn đề này, phía bạn cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, A-déc-bai-dan đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi hậu quả bom mìn, vật nổ bởi các cuộc xung đột vũ trang với nước láng giềng Ác-mê-ni-a, gần đây nhất là cuộc xung đột giữa hai nước tại khu vực Nagorno-Karabakh. Hiện tại, nhiều diện tích đất, đặc biệt là các khu vực diễn ra giao tranh thuộc lãnh thổ quốc gia này bị ô nhiễm nặng nề bởi bom mìn, vật nổ. Trong thời gian vừa qua, A-déc-bai-dan đã có nhiều nỗ lực trong viêc khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại. Cụ thể, năm 1998, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP), Chính phủ A-déc-bai-dan đã thành lập ANAMA với nhiệm vụ thực hiện tất cả các quy trình cần thiết thuộc Chương trình Hành động bom mìn quốc gia nhằm xử lý bom mìn, vật nổ trên lãnh thổ quốc gia này. Đến nay, ANAMA đã phát triển thành một cơ quan có thể chế đầy đủ, có năng lực quản lý, kỹ thuật, huấn luyện, đào tạo và có nguồn ngân sách ổn định, không chỉ hoàn thành các chương trình, kế hoạch hành động bom mìn của quốc gia mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực hành động bom mìn cho một vài nước láng giềng. Qua tìm hiểu, phía bạn được biết Việt Nam cũng là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh nặng nề nhất trên thế giới và hiện cũng đang tích cực khắc phục hậu quả; VNMAC là cơ quan hành động bom mìn cấp quốc gia có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Do đó, thông qua buổi tiếp xúc này, Ngài đại sứ mong muốn trở thành cầu nối thiết lập mối quan hệ giữa Cơ quan hành động bom mìn cấp quốc gia của hai nước.

Đại diện phía Việt Nam, Thiếu tướng Trần Trung Hòa Tổng Giám đốc VNMAC nhất trí với phía bạn rằng ô nhiễm bom mìn, vật nổ là một trong những rào cản lớn trên con đường tái thiết một quốc gia, vùng đất sau chiến sự; do đó, khắc phục hậu quả do chúng để lại là việc làm cần thiết và cấp bách, không chỉ giúp bảo vệ an toàn cho người dân mà còn phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phía Việt Nam cũng chia sẻ sơ lược về tình hình ô nhiễm, công tác khắc phục, các nội dung chương trình, kế hoạch ưu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam và trả lời một số câu hỏi của phía bạn liên quan đến các phương pháp rà phá đang được tiến hành tại Việt Nam. Việt Nam cho rằng việc thiết lập mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh không chỉ giúp đẩy nhanh quá trình làm sạch các mảnh đất bị ô nhiễm, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước mà còn giúp mở rộng, tăng cường mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, thân thiết vốn có của hai quốc gia từ trước tới nay. Về đề xuất của phía bạn liên quan đến việc sắp xếp một buổi làm việc trực tuyến giữa lãnh đạo của VNMAC và ANAMA, đại diện VNMAC cho rằng đây là bước đi cần thiết để hai cơ quan có thể ngồi lại và cùng thảo luận những vấn đề hai bên cùng quan tâm, những nội dung hợp tác cụ thể tiềm năng; đồng thời cho biết sẽ báo cáo đề xuất này lên các cơ quan chức năng của Việt Nam. Cùng với đó, phía Việt Nam cũng đề xuất Ngài Đại sứ thông qua các kênh ngoại giao gửi đề xuất này đến Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Image

Việt Nam và A-déc-bai-dan là hai quốc gia có quan hệ truyền thống tốt đẹp, hai bên luôn duy trì sự tin cậy chính trị cao và ủng hộ lẫn nhau trên các cơ chế và diễn đàn đa phương. Giống như Việt Nam, A-déc-bai-dan cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bom mìn, vật nổ sau chiến tranh; do đó, quốc gia này có nhu cầu lớn trong việc thúc đẩy  hợp tác trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực và thu hút nguồn lực hỗ trợ, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Cuộc họp này đã thể hiện rõ thiện chí mong muốn hợp tác từ phía bạn.

Việc thiết lập mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh không chỉ giúp đẩy nhanh quá trình làm sạch các khu vực bị ô nhiễm, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước mà còn giúp mở rộng, tăng cường mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, thân thiết vốn có của hai quốc gia từ trước tới nay.

*
*
*
0 bình luận

Tin tức mới



Liên kết trang