Khảo sát rà phá

Quân đội phát huy vai trò xung kích trong khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh

(21/12/19 08:51)

Một nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”

Việt Nam từng phải hứng chịu hơn 15 triệu tấn bom đạn, gấp vài lần tổng số bom đạn đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là chưa kể tới hàng chục triệu lít hóa chất có chứa chất dioxin-một sát thủ thầm lặng ghê gớm đối với sức khỏe và nòi giống con người. Dù chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nhưng hiện nay hậu quả rất nặng nề của bom, mìn và chất độc hóa học (CĐHH) vẫn hiện hữu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và an toàn môi trường sống trên nhiều vùng của đất nước. Ước tính, số bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm bom, mìn, CĐHH sau chiến tranh ở các mức độ khác nhau khoảng 6,13 triệu héc-ta, chiếm gần 20% tổng diện tích của cả nước. Hiện có khoảng 4,8 triệu người tại Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Nhận thức sâu sắc về hậu quả do bom, mìn, CĐHH tồn lưu sau chiến tranh gây ra, kể từ ngày đất nước thống nhất, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn xác định khắc phục hậu quả bom, mìn, CĐHH sau chiến tranh vì bình yên cuộc sống của nhân dân là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho nhân dân, làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Vì vậy, Quân đội nhân dân Việt Nam, với tư cách là quân đội cách mạng “của dân, do dân, vì dân”, “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” chính là lực lượng xung kích, đóng vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ xử lý bom, mìn và CĐHH tồn lưu sau chiến tranh trên phạm vi cả nước, xem đây là nhiệm vụ "chiến đấu trong thời bình".

Image

Quân đội là nòng cốt tham gia các dự án hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn trên cả nước.

Trong những năm qua, các đơn vị quân đội, nhất là lực lượng hóa học và công binh, không quản ngại gian khó, hiểm nguy, chủ động triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án rà phá bom, mìn, vật nổ; điều tra, khảo sát, thu gom và xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh; nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của chất da cam/dioxin đến sức khỏe con người, hỗ trợ y tế đối với nạn nhân chất da cam/dioxin; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc giáo dục nâng cao nhận thức về nguy cơ bom, mìn, vật nổ, CĐHH cho người dân chủ động phòng, tránh; tham gia vận động các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ công tác khắc phục hậu quả chiến tranh.

Với quyết tâm cao, nỗ lực không mệt mỏi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chính phủ, tổ chức quốc tế, Việt Nam đã thu gom, xử lý hàng triệu bom, mìn, vật nổ các loại, hàng trăm tấn chất độc, vũ khí, phương tiện chứa chất độc, hàng trăm nghìn mét khối đất nhiễm chất độc da cam/dioxin; giải phóng, làm “sạch” hàng trăm nghìn héc-ta đất, góp phần tái tạo quỹ đất, bảo đảm môi trường, điều kiện an toàn cho sản xuất, đời sống của nhân dân, giảm tai nạn, thương tích do bom, mìn, vật nổ gây ra và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống...

Không chỉ để khép lại quá khứ

Mặc dù điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi năm Nhà nước ta đã đầu tư nguồn lực rất lớn cho công tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Tuy nhiên, vì đây là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi phải đầu tư nguồn lực vô cùng to lớn nên sự phối hợp chặt chẽ cũng như những nỗ lực chung giữa Việt Nam với các đối tác và bạn bè quốc tế sẽ là phép nhân tạo ra nhiều giá trị gia tăng mạnh mẽ cho nhiệm vụ này ở Việt Nam. “Chúng ta rất cần những công nghệ, kỹ thuật mà nước ngoài có trong khi Việt Nam lại đang thiếu. Chúng ta có nguồn lực của bản thân nhưng nguồn lực bên ngoài rất quý giá để đẩy nhanh tốc độ xử lý, làm “sạch” diện tích đất bị ảnh hưởng của bom, mìn, CĐHH”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn và CĐHH sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 701) nhấn mạnh trong một cuộc trao đổi với báo chí mới đây.

Chính vì vậy, khắc phục hậu quả chiến tranh trở thành một nội dung quan trọng trong thúc đẩy hợp tác, nhất là hợp tác quốc phòng, giữa Việt Nam và các nước, các đối tác trong khu vực và quốc tế mà tiêu biểu là sáng kiến của Việt Nam về thành lập Nhóm chuyên gia về hành động mìn nhân đạo trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang nhận được sự hỗ trợ, hợp tác tích cực và có hiệu quả từ cộng đồng quốc tế thông qua việc chia sẻ về các nguồn lực, kinh nghiệm. Trong đó phải kể đến Chính phủ Mỹ hỗ trợ chuyển giao các trang thiết bị rà phá bom, mìn và hỗ trợ điều tra, khảo sát lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn ở 6 tỉnh miền Trung. Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ thực hiện các dự án rà phá bom, mìn tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình. Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) viện trợ để thực hiện dự án “Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh” tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định...

Image

Bộ đội Công binh trục vớt bom dưới chân cầu Long Biên, Hà Nội năm 2017

Image

Sau nhiều giờ, quả bom đã được vận chuyển về nơi an toàn.

Khắc phục hậu quả chiến tranh không chỉ để khép lại quá khứ mà còn mở ra cánh cửa cho tương lai hợp tác quốc tế, kể cả các nước trước đây từng tham gia chiến tranh Việt Nam. Việt Nam đã phối hợp với phía Mỹ và hoàn thành dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Đà Nẵng với 32,4ha diện tích đất "sạch" sau xử lý được bàn giao để phục vụ mở rộng sân bay, phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2018, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã ký thỏa thuận với Quân chủng Phòng không-Không quân về khoản đóng góp 183 triệu USD của USAID cho giai đoạn 5 năm đầu tiên của dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa-một trong những dự án lớn nhất thế giới về xử lý môi trường bị ô nhiễm dioxin. “Tôi không ngừng nghĩ về việc cùng đồng hành với nhau, chúng ta sẽ tạo sức mạnh hàn gắn không chỉ khắc phục những gì quá khứ để lại mà còn thúc đẩy hợp tác cho một tương lai tốt đẹp hơn. Những gì chúng ta đã đạt được không phải là dễ dàng và là một ví dụ để quốc tế noi theo. Người Mỹ quan niệm “ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”. Chúng tôi hy vọng, với ý chí của cả Mỹ và Việt Nam, chúng ta sẽ tìm ra được con đường”, bà Bonnie Glick, Phó giám đốc toàn cầu của USAID phát biểu trong lễ bàn giao mặt bằng dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa giữa Quân chủng Phòng không-Không quân và USAID vào đầu tháng 11 vừa qua tại Hà Nội.

Với những kết quả quan trọng đã đạt được trong công tác khắc phục hậu quả bom, mìn, CĐHH tồn lưu sau chiến tranh thời gian qua, tin tưởng rằng cùng với phát huy nội lực, nhất là vai trò xung kích của Quân đội nhân dân Việt Nam và tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, chúng ta sẽ vượt qua mọi thử thách để đi đến tận cùng của sự nghiệp cao cả-đó là không còn bom, mìn, CĐHH tồn lưu sau chiến tranh gây hại cho con người và thiên nhiên Việt Nam thêm nữa.

*
*
*
0 bình luận

Tin tức mới



Liên kết trang